- Trong mắt nhà giáo ưu tú Song Thủy, nữ kiện tướng dancesport Khánh Thy là cô học trò mạnh mẽ, có tài năng, đã quyết gì là làm bằng được. Cho tới giờ những kỉ niệm ấy vẫn được cô nâng niu, trân trọng.

THỜI ĐI HỌC CỦA NỮ KIỆN TƯỚNG DANCESPORT KHÁNH THY QUA LỜI KỂ CỦA CÔ GIÁO

Tốt nghiệp khóa 2 năm 1966 rồi ở lại làm công tác giảng dạy tại Trường CĐ Múa Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu, nhà giáo ưu tú Song Thủy cùng các đồng nghiệp đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò tài năng, đóng góp cho sự phát triển các môn nghệ thuật của nước nhà.

Nói về thế hệ của nữ kiện tướng môn khiêu vũ thể thao (dancesport) Khánh Thy (khóa 7 năm, hệ múa cổ điển, niên khóa 1993-2000), cô Song Thủy cũng không quên nhắc tới những con người đã thành danh cùng thời như diễn viên Hải Yến (Phim: Người Mỹ trầm lặng), Hà Hương (Phim: Phía trước là bầu trời), rồi các giáo viên chủ chốt hiện đang công tác ĐH Sân khấu điện ảnh, CĐ Múa Việt Nam…

Mạnh mẽ, thẳng thắn

“Khánh Thy được thừa hưởng phong cách nghệ sĩ, sự mạnh dạn khi sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật: bố, anh trai là nghệ sĩ violon, mẹ là ca sĩ. Vào lớp, em cũng mạnh dạn hơn các bạn khác. Về tính cách, Thy là người thẳng thắn, vì không khéo léo lắm mà có lúc em làm mất lòng bạn.

Là người có khả năng nhưng cô có khi vẫn phải nhắc nhở để em sửa, ví như có lần cô yêu cầu em phải làm cái này, cái kia nhưng có cái em nghe, cái không. Rồi có lần đến giờ tập không thấy em đâu, cô nói sẽ cho em nghỉ, không phải thi luôn.

Mãi sau bố em mới tới, nói rằng vì cháu muốn có bộ váy hợp cho bài diễn nên ở nhà may, đòi phải tập với bộ váy này. Tôi nói với em bộ váy đó em không thích nhưng các bạn khác vẫn mặc kia mà, việc em múa thế nào còn quan trọng hơn bộ máy em đang mặc”.

Học múa nâng đỡ cho thành công ở dancesport

“7 năm gắn bó với em, tôi nhớ nhất ở Khánh Thy là một con người có chí, thật sự yêu nghề. Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng nếu đã đặt ra mục tiêu gì là em quyết tâm làm cho bằng được.

Nhà giáo ưu tú Song Thủy: "Khánh Thy là người mạnh mẽ, thẳng thắn". 

Hồi kết thúc khóa học, mỗi em có một tiết mục biểu diễn, em xin tôi được biểu diễn thêm tiết mục biến tấu, mặc dù đã múa vở Thiên nga chết. Cô nói cô chỉ dàn dựng rồi em phải xem lại băng, tập nhiều vào. Khánh Thy nghe, rồi em còn tự mình may váy cho tiết mục biểu diễn ấy.

Sau này khi Khánh Thy quyết định lựa chọn theo dancesport, em tâm sự với tôi rằng mình muốn phát triển sự nghiệp, thành công ở bộ môn thể thao còn khá mới mẻ ở VN này. Nhờ múa cổ điển mà em mới có thể “nổi” được như ngày hôm nay.

Những bức thư em gửi tôi khi sang Pháp học dancesport với Chí Anh (hồi còn gắn bó với nhau-PV) tôi vẫn giữ. Có bức dài 4 trang, Khánh Thy kể với cô về tháng ngày vất vả nơi trời Tây.

Khi ấy em đi học theo dạng tự túc, học phí đắt đỏ, gia đình cũng không mấy khá giả về kinh tế. Khánh Thy khóc trong thư kể em phải đi xin các thầy để học hay “học mót” đấy. Nhiều buổi hai đứa đi về, đói quá mà chỉ có mỳ tôm, vừa ăn vừa khóc.

Cặp Chí Anh – Khánh Thy là tên mọi người vẫn gọi hai đứa nhưng tên thật của chúng nó là Hải Anh và Hồng Thy. Gần tốt nghiệp ở trường, Hồng Thy mới gọi, mong cô đổi tên cho là Khánh Thy và bảo rằng “em đi xem thầy. Thầy nói phải đổi tên ấy cho bớt khổ”.

Đừng tham quá!

Nhưng rồi họ vẫn chia tay, đường ai nấy đi. Nhiều người tiếc nuối, luyến lưu hình ảnh mạnh mẽ gắn với những thành công ở bộ môn khiêu vũ thể thao. Theo cô Song Thủy: “Âu cũng là tất nhiên thôi.

Hai đứa giỏi nhưng nhiều khác biệt. Lúc đầu hai đứa quý nhau, mong cùng gây dựng bộ môn này. Nhưng rồi suy nghĩ và tính cách mạnh mẽ của hai đứa quá lớn nên cô nghĩ chia tay là bình thường.

Dù giờ công việc của Khánh Thy bận bịu, em cũng không có thời gian về thăm cô nhưng tôi vẫn theo dõi con đường của em. Vừa rồi cô còn biết Khánh Thy tham gia cả ca hát, đóng phim,…Cô thấy như vậy hơi tham, không nên. Cô không thích em ở cái đó. Nếu làm cái gì đó khiêm tốn thì tốt hơn”.

  • Phong Đăng (Ghi)