- Cuối năm, việc quan trọng hàng đầu của sinh viên là phải "trả bài" các môn học kết thúc học kỳ 1. Nhưng việc cũng không kém phần quan trọng là đi đám cưới đã khiến không ít sinh viên lâm cảnh "tiền khô cháy túi".

Ảnh có tính chất minh họa

Đang ôn thi cũng phải về đám cưới

Nhận được cuộc điện thoại mời đám cưới của người bạn cũ từ dưới quê điện lên, Thuấn sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn chưa hết băn khoăn là có nên về quê để chung vui với bạn hay là ở lại trên này để ôn thi.

Thuấn tính toán, nếu về quê thì ít ra cũng phải mất 2 ngày, trong khi đó bây giờ đang trong lúc thi cử nên về thì dở hết việc ôn thi, nhưng nếu không về thì cũng áy náy vì đây là người bạn chơi rất thân.

Cuối cùng, Thuấn đành phải chọn giải pháp là chấp nhận học tủ đi thi để có thời gian về quê dự đám cưới bạn. “ Đành phải chấp nhận vậy thôi chứ không còn cách nào khác chẳng nhẽ có thằng bạn chơi thân với nhau từ bé mà đến lúc nó đi lấy vợ lại không về với nó được” – Thuấn chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ trên, Nhung (Trường ĐH Thương mại ) nhận được tới 2 thiếp mời cưới cùng một lúc. Nhung cho biết, đây là bạn học cùng lớp với Nhung từ thời cấp hai. May là đám cưới lại rơi đúng vào ngày mà Nhung vừa thi xong môn đầu tiên nên có chút ít thời gian để về đám cưới.

Còn Quang (Trường ĐH Giao thông vận tải) chia sẻ: “ Nhận được tin vui của người bạn ở dưới quê, em mừng cho bạn ấy lắm. Nhưng tiếc là hôm tổ chức đám cưới lại đúng vào ngày mà em phải đi thi nên không thể về chung vui cùng bạn ấy được nên đành gửi tiền mừng...”.

Vẻ buồn bã, Đức (Trường ĐH Xây Dựng ) nhớ lại: “ Ngày chị gái mình đi lấy chồng, mình đã không thể về chung vui cùng với chị được vì lúc ấy mình đang phải đi thi tốt nghiệp. Mặc dù chị đã cưới được hơn một năm nhưng mỗi khi nhìn những tấm ảnh cưới là trong lòng mình cảm thấy rất buồn”.

Méo mặt

Với giá cả như hiện nay, tiền mừng cưới ít nhất cũng phải từ 200.000 đồng trở lên. Sinh viên về quê ăn cỗ cưới nếu tính cả tiền tàu xe cũng mất khoảng gần 400.000 đồng/ đám, như vậy nếu được mời đi 3 đám cưới thì sinh viên cũng phải mất tương đương với số tiền ăn trong vòng một tháng mà gia đình chu cấp lên.

Hưng sinh viên Trường ĐH Hà Nội cho biết: Tháng vừa rồi Hưng đã phải về Thanh Hóa để dự đám cưới một người bạn. Tháng này lại có một đám cưới nữa mời nhưng Hưng sẽ “gửi” bạn mừng hộ chứ không đi nữa. “Nếu mình đi thì phải bỏ phong bì 200.000 đồng nhưng gửi thì 100.000 đồng thôi thế là cũng tiết kiệm được một số tiền kha khá rồi.

Theo Hưng, bạn bè chơi thân với nhau thì mình đi thôi chứ bạn nào mời cũng đi thì lấy tiền đâu ra. Mình là sinh viên, vẫn phải sống nhờ gia đình mà.

Còn Thành (Trường ĐH mỏ Hà Nội ) thì cho biết: “Tuần trước em vừa về Hải Dương ăn cưới đứa bạn, xong rồi bạn bè lại tụ tập đi nhậu nhẹt, hát hò… bây giờ em đã tiêu đã gần hết số tiền mà gia đình gửi lên rồi, không biết tháng này sẽ sống như thế nào đây!”.

Để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống cũng như bù đắp vào số tiền đi đình đám, rất nhiều sinh viên đã đi kiếm công việc làm thêm để "lấy thu bù chi".

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều bạn sinh viên, cuối năm cũng là dịp để các công ty “ma” lợi dụng tâm lý muốn có công việc nhanh chóng, thu nhập cao để lừa sinh viên. Thế nên các sinh viên phải lưu ý để tránh “tiền mất, tật mang”.

  • Từ Phương (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)