- Buổi họp phụ huynh kết thúc học kì 1 - ngày cuối năm tại một trường cấp 2 ở Hoài Đức (Hà Nội) đã biến thành... cái chợ. Cảnh bất đồng quan điểm giữa "ban phụ huynh lớp" (gọi tắt là ban) và những phụ huynh ngoài ban phụ huynh đã thực sự "nổ tung" khi số đông những người nằm ngoài ban cho rằng: tiền túi mình bỏ ra nhưng chỉ một nhóm người trong ban hưởng thành quả.
Tiền chung, lợi ích riêng?
Buổi họp phụ huynh bắt đầu từ 10 giờ sáng. Tuy không có văn bản nào quy định, nhưng ai cũng hiểu, họp phụ huynh giờ đây đã không đơn thuần là cuộc gặp gỡ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi kết quả học tập. Bởi một lẽ, ngoài giấy mời của nhà trường còn là lời dặn dò chu đáo của giáo viên chủ nhiệm: “Khi đi, các em nhớ bảo bố mẹ mang theo... tiền”.
Ảnh có tính chất minh họa. |
Tâm lý chung "cho con đi học là sẵn sàng “đầu tư” phi lợi nhuận nên dù hoàn cảnh kinh tế có khó khăn, nhiều phụ huynh vẫn chẳng nề hà việc “chạy” tiền cho con đi học. Tuy nhiên, không phải bất kỳ khoản thu chi nào cũng được các bậc phụ huynh gật đầu đồng ý.
Buổi họp sẽ diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp nếu như... không có Ban phụ huynh học sinh đứng lên phát biểu. Sau khi đưa ý kiến sẽ thu thêm của phụ huynh mỗi người 100 nghìn đóng vào quỹ, ngay lập tức, chị Hằng (trưởng ban) nhận được ý kiến phản hồi của các bậc phụ huynh. Đồng tình thì ít, phản đối thì nhiều.
Giải thích về khoản thu này, chị Hằng cho rằng: “100 nghìn để “cảm ơn” 12 giáo viên là hợp lý”. Theo lời giải thích của chị, cần phải bày tỏ lòng biết ơn dưỡng dục của giáo viên bằng cách cử đại diện các em học sinh đến tặng quà cô vào ngày lễ.
Tuy nhiên, đa phần những người không nằm trong ban phụ huynh lại coi đây là điều bất hợp lý. Họ cho rằng, việc cử đại diện một số em đến tặng quà cô là điều thiệt thòi cho những em ở nhà. Không thể có chuyện “tiền chung, lợi ích riêng”.
“Giáo viên có thể chỉ chú ý đến những em tặng quà. Còn những em khác, mặc dù tiền đóng gạo góp, nhưng không có mặt thì cũng chỉ là... người thừa”, một phụ huynh lo xa.
Sự bất đồng quan điểm giữa một bên là những “cán bộ” trong ban phụ huynh và một bên là “dân thường” không trong ban đã khiến buổi họp giống như cái chợ vỡ.
"Cuộc chiến" quà cáp
Tình trạng ganh đua lợi ích của con giữa các phụ huynh đã không còn hiếm. Theo thông lệ, lớp trưởng, lớp phó, bí thư... là người nắm quyền điều hành sẽ đại diện làm những việc chung cho lớp. Kể cả tặng quà cô giáo... thay các bạn.
Nếu như trước đây, người ta không câu lệ lễ nghĩa thì trong thời buổi kinh tế hiện nay, nhiều người lại cho rằng, tặng quà cô giáo chẳng qua là hình thức của việc nịnh nọt. Theo suy nghĩ đó, “tỏ lòng biết ơn” đến thầy cô trong những ngày lễ sẽ tạo nên những lợi ích nhất định, mà lợi ích đó thì chỉ dành cho một nhóm học sinh có chức quyền trong lớp – những học sinh trực tiếp đến thăm nom và tặng quà giáo viên.
Có những ông bố, bà mẹ sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua quà biếu thầy cô trong dịp lễ tết, nhưng khi yêu cầu họ đóng 100 nghìn vào quỹ quà tặng chung của cả lớp thì các phụ huynh này lại tỏ ra khó chịu. Đây là điều tương đối dễ hiểu bởi phần lớn mọi người đều chung tư tưởng: tiền của chung nhưng lợi ích lại chỉ thuộc về một nhóm riêng. Và khi nhóm riêng đó không có con mình thì thu khoản tiền trên là một điều... hoài phí.
Có lẽ, “cuộc chiến” quà cáp không còn là vấn đề riêng của trường nào, mà giờ đây đã trở thành đề tài chung mà nhiều phụ huynh bàn tới.
Tâm lý chung, ai cũng sợ con mình thiệt thòi nếu không có trong danh sách tặng quà thầy cô giáo. Theo đó, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra “bằng mặt nhưng không bằng lòng” khi phải đóng góp thêm khoản “phí quà tặng” cho hội trưởng hội phụ huynh. Vô hình chung, việc tặng quà giáo viên trong những ngày lễ, tết đã trở thành cuộc chiến ngầm giữa các bậc phụ huynh?
- Minh Hiền (Lớp CBC5D – Trường CĐ Truyền hình)
TÂM SỰ NGƯỜI THẦY, HỌC TRÒ |