- Thu cao vừa tròn 70 cm, nhỏ tí xí. 14 tuổi Thu bỏ học, cầm trên tay 200.000 đồng một mình phiêu bạt vào Nam. Lang thang, vật vờ, đói, lạnh tưởng đã đẩy chàng tí hon đến tuyệt vọng. Nhưng rồi cuộc đời đã trả lại cho anh hạnh phúc và một tình yêu đẹp.

Tuổi thơ bất hạnh

Chàng tí hon tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thu, quê xã Yên Thương, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bố mẹ  sinh được 5 người con, hai anh chị trước đều đã chết vì bị di chứng của chất độc da cam.

Hồi mới sinh, bố mẹ và mọi người vẫn thở dài, bảo “trông Thu chẳng khác nào một quả đu đủ, đầu to hơn thân. Chân tay thì èo uột và teo tóp như người không xương”.
Nguyễn Văn Thu hạnh phúc bên vợ và cậu con trai nhỏ.

10 năm trời, ông bà Thi (tên bố mẹ Thu) thay nhau ở bệnh viện Đức Giang rồi lên bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc con. Nghe ai nói nơi này, ở kia có thuốc hay thầy giỏi, ông bà đều tìm tới.

Rồi kinh tế trong gia đình dần trở nên kiệt quệ. Phải chăm con, ông Thi bỏ luôn việc ở Xí nghiệp may Thương binh Bọ Vàng, Trâu Quỳ để đi làm thuê kiếm tiền duy trì cuộc sống gia đình.

10 tuổi, gần như mọi sinh hoạt của Thu đều do mẹ lo liệu. 12 tuổi, Thu chập chững những bước đi đầu tiên. Vậy mà cứ ngã dúi dụi về phía trước. 13 tuổi, khi bước đi đã bình thường cũng là lúc cậu bé mong được tới trường. Đường từ nhà đến trường chỉ hơn 1km nhưng ông bà Thi cũng không dám để cho con mình tự đi. Ngày ngày, người cha cõng con trên lưng, hết đi lại về, bất kể ngày nắng hay mưa.

Phiêu bạt

Không thua kém bạn bè về học lực, nhưng sự mặc cảm, tự ti về chiều cao cứ ám ảnh cậu học trò nhỏ. Bạn bè đứa vô tư, đứa ác ý vẫn luôn dè bỉu về hình hài kỳ dị của Thu. Tất cả đã dẫn chàng tí hon đến một quyết định nông nổi: bỏ học.

Trong ngồi nhà thuê trọ của đoàn biểu diễn nghệ thuật Nhân đạo ở một con ngõ nhỏ trên đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Thu ngồi tâm sự, bản thân anh cũng “không hiểu vì sao khi ấy lại liều đến vậy”.

Thu ra đi vì “muốn chứng minh dù ngoại hình không được bình thường như người khác nhưng vẫn có thể làm được những điều mà một người bình thường có thể làm được”.

Một ngày giữa tháng 4 năm 1999 sau khi để bố cõng tới trường, Thu cầm hơn 200.000 đồng trên tay bắt xe ra ga Hà Nội rồi một mình nhảy tàu vào Nam.

Vào Nam, Thu như kẻ lạc loài, không bạn bè, người thân thích. Tiền cạn dần, Thu đi xin việc nhưng nơi nào cũng lắc đầu từ chối cùng với lí do vì ngoại hình.

Hơn mười ngày lang thang vạ vật ấy sẽ chẳng bao giờ Thu có thể quên với chỉ bánh mỳ cầm hơi, giường ngủ là công viên.

Lạnh lẽo và tuyệt vọng, Thu tính quay về nhưng lại sợ. Sợ vì đường đi khó khăn, tiền lại sắp hết mà như thế cũng có nghĩa là mình thất bại.

Cũng đêm hôm ấy ở công viên nơi chàng tí hon đang lang thang có đoàn nghệ thuật của những mảnh đời bất hạnh có tên là “Chim cánh cụt” đến biểu diễn.

Khi khán giả đã về hết, Thu vẫn ngồi đó, co ro, tội nghiệp. Thấy thế, người trưởng đoàn lại gần hỏi sao chưa về nhà. Nỗi nhớ nhà cộng thêm sự tủi phận khiến Thu bật khóc. Nghe chuyện, người trưởng đoàn đã chấp nhận cho Thu nhập đoàn.

Lại là những tháng ngày phiêu bạt. Nhưng giờ đây, Thu đã có “gia đình mới”, bỏ lại sau lưng ghế đá công viên lạnh lẽo để cùng đoàn đi khắp nơi biểu diễn nghệ thuật. Thu được dạy và học rất nhanh việc diễn hài, diễn xiếc rồi làm ảo thuật…

Ấy vậy mà những lần đầu lên sân khấu biểu diễn Thu vẫn thất bại vì “nhìn thấy phía dưới đông khán giả là chân tay đã run trẹo rồi. Nhiều lúc cũng thấy nản, nhưng rồi được mọi người động viên nên em đã cố gắng rất nhiều. Giờ thì ổn rồi”.

Ba năm sau ngày tự ý bỏ đi, Thu trở về nhà. Bố mẹ gặp con mừng mừng, tủi tủi. Thương con, ông bà Thi động viên con ở nhà làm ăn. Anh đồng ý. 

Nhớ tiếng vỗ tay của khan giả, lời động viên của bạn bè, đồng nghiệp đã thúc giục Thu xin gia nhập đoàn nghệ thuật tình thương của thành phố Hà Nội. Và đến năm 2005, Thu gia nhập vào trung tâm nhân đạo Xuân Mai.

Hạnh phúc như mơ

Ngay từ buổi đầu bước chân trung tâm, Thu đã để ý ngay tới một cô gái có khuôn mặt phúc hậu, làn da trắng và vóc dáng cao ráo, thanh thoát. Len lén hỏi mọi người, anh được biết người ấy tên Nguyễn Ngọc Mai quê ở Hoài Đức, Hà Nội.

Thu tâm sự: “Lấy được Mai là may mắn cũng là hạnh phúc của cả cuộc đời em”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trời bắt anh phải lùn nhưng trong hình hài không mấy bình thường ấy lại là một chàng trai có tài ăn nói. Ông Thi thì giọng hài hước “nó mà nói thì đến con kiến trong lỗ cũng phải chui ra”.

Chẳng biết có phải vì thế mà không lâu sau Thu và Mai đã trở nên thân thiết. Không chỉ biết nói, nói hay mà Thu còn rất biết cách quan tâm chị em. Những ngày như 8/3, 20/10, lễ tình nhân anh đều không quên mua hoa hồng để tặng bạn gái. Chính từ sự ân cần và chân thành của Thu đã lay động trái tim cô gái xứ Đoài.

Nhưng yêu nhau cũng là khi gặp phải những cản trở từ phía gia đình của Mai. Lần chị dẫn anh về ra mắt, bố mẹ chẳng những nặng lời mà còn tuyên bố sẽ quyết từ chị nếu vẫn tiếp tục yêu anh. Cả những ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa.

Nhưng rồi, nước chảy đá mòn, trước tình yêu tha thiết đôi trẻ, sau hai năm, bố mẹ Mai ưng thuận để chị theo anh về bên ấy. Một đám cưới giản dị, không ồn ã với góp sức của các thành viên của Trung tâm Xuân Mai đã diễn ra sau đó.

Hơn một năm sau, cậu bé Nguyễn Minh Quân ra đời như một sự khẳng định cho hạnh phúc bền lâu của anh chị. Mai càng hiểu và yêu chồng hơn trong những ngày con ốm đau, anh dù mệt nhoài sau đêm diễn lại về bệnh viện trông con cho vợ ngủ. Những lần đi xa, không thư từ thì nhắn tin, điện thoại.

Từ ngày lấy anh, chị Mai cũng thôi việc đi biểu diễn mà ở nhà chăm con, làm thêm ở xưởng may gần nhà cùng anh kiếm tiền chăm lo cho con.

Thu tâm sự sau này anh muốn con làm giáo viên để con có thời gian nhiều hơn cho gia đình, đừng như bố nay đây mai đó.

Hay như cách anh ví von: “Mình học ít quá nên muốn con được hiểu rộng hơn. Bố nó đã đi mua vui cho mọi người, giờ chỉ mong con đi giúp được nhiều người hơn thôi”.

  • Văn Chung