- Lời tòa soạn: Những ngày giá rét cuối năm Canh Dần, tòa soạn nhận được bài viết của một giáo viên ở Nga Sơn, Thanh Hóa về câu chuyện để đời trong nghề của mình. Một bài hát về mùa xuân đến đúng lúc đã 'cứu" cô khỏi tình thế nan giải trong một giờ giảng quan trọng. Dưới đây là câu chuyện về tình huống đặc biệt này.


Ảnh: Nguyễn Hường

Cách đây 20 năm, tôi tốt nghiệp CĐSP với tấm bằng loại khá. Được sự phân công của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Thanh Hoá, tôi hăm hở cầm tờ quyết định về giảng dạy tại Trường cấp 1 - 2 Lâm Phú, xã vùng cao huyện Lang Chánh.

Những ngày đầu tiên, bước chân đến một vùng đất lạ, nỗi nhớ nhà, nhớ bạn cứ da diết.

Hôm đó, có công văn của Phòng Giáo dục huyện thông báo kế hoạch thanh tra toàn diện nhà trường.

Hiệu trưởng triệu tập hội đồng họp gấp, thông báo kế hoạch, phân công công việc đón đoàn và tiến cử người thao giảng. Lâu nay, ở miền rừng đại ngàn, xa phố đến cả ngày đường đi bộ, làm gì có khái niệm "thanh tra với dự giờ, thăm lớp’’. Cuối cùng, anh quyết định giao cho tôi và một chị nữa chuẩn bị giờ thao giảng và  bài để dạy thử.

Tự nhiên, người tôi run lên bần bật, định từ chối nhưng anh phủ đầu: ‘‘Cô là giáo viên trẻ, mới ra trường, kiến thức học ở trường còn nhiều;  phải đầu tầu, gương mẫu. Nếu cô dạy không ra gì là làm xấu mặt trường ta lắm đó...’’.

Một chút tự ái trỗi dậy, tôi thầm nghĩ: "Được, mình sẽ cố gắng để mọi người sẽ thấy năng lực thế nào".

Thế nhưng, sáng hôm sau dạy thử, tôi đã thất bại. Thực ra, bài dạy không khó, nhưng không hiểu vì sao, tôi không thể cất lên lời, giọng nói ngượng nghịu, tay chân cứ như thừa, hết 45 phút mà chưa xong nửa bài .

Hiệu trưởng nhìn tôi thiếu thiện chí và buông một câu: "Tôi cứ tưởng...!"

Câu nói bỏ lửng làm tôi bật khóc. Mấy chị cao tuổi xúm lại động viên.

Anh Nhiên, hiệu phó, nói một câu làm tôi nhớ mãi: "Em à ! Đừng khóc nữa! Nước mắt không thay đổi được gì đâu. Chỉ có sự quyết tâm và nghị lực sống mới làm cho người ta vươn lên, khẳng định mình và trưởng thành. Tối nay, em xem lại bài đi. Bình tĩnh, tự tin là thắng lợi 50% rồi".

Lời động viên và sự ân cần của anh như có sức mạnh phi thường vực làm tôi đứng dậy.

Tiết thao giảng cũng tới.

Tôi bước vào lớp sau phút chào hỏi như thường lệ, đánh ánh mắt nhìn về cuối lớp, nơi có hàng ghế dành riêng cho người dự giờ.

Tự nhiên, tim tôi đập mạnh, tay chân run rẩy, mồm lắp bắp. Tôi chẳng biết mình phải làm gì, mọi thứ chuẩn bị trong đầu bay biến sạch, phải mất gần 2 phút, dưới lớp đã có tiếng ồn ào.

Bỗng nghe tiếng loa phát thanh phía Bản Đôn vọng đến, tôi bừng tỉnh, chợt cất lên tiếng hát trước ánh mắt ngơ ngác của đám học trò, sự ngạc nhiên của nhà trường và thanh tra giáo dục:

"Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ.
Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ,
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam"

(Lời bài hát “ Gửi nắng cho em của Phạm Tuyên’’)

Chả là, tôi đang bài "Khí hậu Việt Nam - Địa lí lớp 8’’. Tôi muốn vào bài bằng những câu hát để tạo tình huống gây bất ngờ cho người dự.

Thế rồi, tôi say sưa bước vào bài giảng, mỗi lời nói, cử chỉ của tôi như hút hồn người nghe, minh chứng cho bài giảng tôi lại đọc thêm những lời bài hát như: "Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây bên nắng đốt bên mưa quay...’ để giải thích thêm tại sao khí hậu các vùng miền lại khác nhau.

Kết thúc bài giảng trong tiếng vỗ tay vang dậy của cả lớp, tôi không nghĩ mình có thể dạy thành công như thế. Tiết dạy đó tôi được đánh giá cao và xếp loại giỏi.

Sau lần dạy đó, tôi như được lớn lên và tiếp thêm sức mạnh. Tôi không hề tự mãn mà vẫn luôn tụ nhủ rằng mình phải luôn cố gắng dù trong bất kỳ tình huống và lĩnh vực nào.

  • Phạm Thị Thanh (Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nga Sơn, Thanh Hoá)