Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh an toàn cho các công trình Dầu khí, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã tích cực phối hợp, đề ra các chủ trương hoạt động sát thực, khẩn trương.




Ngày 26/8/2010, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành chỉ thị về việc nghiêm cấm các phương tiện hoạt động tại khu vực an toàn của các công trình Dầu khí. Ngày 08/10/2010, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam đã ban hành chỉ thị về việc triển khai phối hợp công tác với tỉnh BR-VT tại tất cả các cơ sở công trình khí trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình trạng các phương tiện hoạt động trên biển, trên đất liền gây nên nguy cơ mất an ninh, an toàn cho các công trình khí vẫn thường xuyên xảy ra.

Trước tình hình đó, ngày 08/03/2011, tại TP.Vũng Tàu, lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam đã chủ trì cuộc họp hội thảo về công tác bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí trên bờ và dưới biển với các công ty: NCSP, KĐN, KCM, Bộ đội Biên Phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Để kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm nói trên, bảo đảm tuyệt đối an ninh và an toàn cho các công trình khí trên địa bàn các tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị: KĐN, NCSP, KCM, KVT, KTA, KMN, KMB triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ an toàn công trình Dầu khí trên đất liền; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 14/2010/CT-UBND ngày 26/8/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

PV Gas đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và thành viên của PV Gas đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với lực lượng công an, bộ đội, chính quyền địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh, an toàn công trình khí, đường ống dẫn khí trên bờ và dưới biển trình cơ quan chức năng phê duyệt và tổ chức thực hiện các phương án đó; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm và các hoạt động khác gây nguy hại trên hành lang tuyến ống dẫn khí và các công trình khí do đơn vị đang quản lý.

Trước mắt, NCSP, KĐN, KCM, KVT, KTA đánh giá, nhận diện rủi ro toàn tuyến ống trên bờ và dưới biển để đưa ra các phương án kiểm soát rủi ro như phương án tấm đệm bê tông mà các nước trên thế giới đã áp dụng; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để xem xét, chấp thuận cấp giấy phép, kiểm soát các nhà thầu thi công các công trình giao cắt trên hành lang tuyến ống dẫn khí hay trong phạm vi an toàn của công trình khí, nhà máy, kho cảng, các trạm phân phối khí, tuyến ống dẫn khí; lắp đặt các biển báo, biển cấm, lắp đặt các barie ngăn ngừa xe tải đi vào tuyến ống dẫn khí.

Các đơn vị NCSP, KĐN, KCM, KTA cũng được PV Gas yêu cầu kiện toàn lại công tác tuần tra tuyến ống (lập sổ sách, nhật ký tuần tra, báo cáo định kỳ, tần suất tuần tra, phân định trách nhiệm, trao đổi thông tin với các đơn vị); tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trên hành lang tuyến ống dẫn khí để phát hiện các trường hợp phá hoại, đào xới, gây mất an ninh an toàn, trộm cắp các thiết bị trên đường ống dẫn khí và các xe cộ phương tiện vận chuyển qua đường ống dẫn khí; đánh giá hiệu qủa của các cộng tác viên, tổ chức họp hàng quí để trao đổi thông tin và báo cáo.

NCSP duy trì hệ thống PMCS để phát hiện các trường hợp đào, cuốc… trên hành lang tuyến ống dẫn khí và mở rộng cho các đơn vị KĐN, KCM, KTA áp dụng; đưa hệ thống phát hiện rò rỉ khí vào hoạt động tại các đơn vị;

Đối với đường ống dẫn khí dưới biển, PV Gas đã giao cho NCSP, KĐN, KCM, KTA duy trì công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng để tuần tra bảo vệ đường ống dưới biển, có kế hoạch để diễn tập bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển; tổ chức công tác tuyên truyền về đường ống dẫn khí trên bờ và dưới biển cho bà con nhân dân tại các tỉnh.

Công tác thực hiện được báo cáo về Tổng Công ty hàng tháng và Ban ATSKMT sẽ là đầu mối theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ này.

  • ĐC