Nhiều ý kiến cho rằng nhiên liệu sinh học khó đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2015 do DN chưa được ưu đãi, miễn giảm thuế khi sản xuất nhiên liệu này.

3 năm "dậm chân tại chỗ"


Nhiên liệu sinh học đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc góp phần giải quyết tình trạng khủng hoảng nhiên liệu và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Tại Việt Nam năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt "Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025", theo đó mục tiêu đề ra đến năm 2015, sản phẩm nhiên liệu sinh học sẽ đáp ứng được 1% nhu cầu xăng dầu cả nước và đến 2025 sẽ đáp ứng 5% nhu cầu.


Người tiêu dùng đã bắt đầu quen sử dụng xăng sinh học. Ảnh: Trà Phương

Từ tháng 1/2010 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đã đưa xăng sinh học E5 (hỗn hợp của 95% xăng A92 với 5% ethanol), ra thị trường và tiêu thụ khá mạnh, thậm chí không đủ bán. Tuy vậy nhiều DN cho rằng đầu tư sản xuất xăng sinh học hiện nay không thực sự hấp dẫn. Lý do chính là các DN chưa được ưu đãi, miễn giảm thuế khi sản xuất nhiên liệu sinh học khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã đề ra các giải pháp để phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, trong đó về chính sách có nêu:

"Đổi mới cơ chế, chính sách về thuế, ưu tiên vay vốn và sử dụng đất đai để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2007 - 2015, đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học được xếp vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các DN đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học được miễn, giảm thuế thu nhập đối với sản phẩm là nhiên liệu sinh học theo quy định tại Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Các DN sản xuất nhiên liệu sinh học được hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm. Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học được miễn thuế nhập khẩu. Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học được hưởng thuế suất nhập khẩu ở mức thấp nhất".

Tuy nhiên đến nay đã 3 năm trôi qua kể từ khi Đề án được phê duyệt, các chính sách ưu đãi dành cho nhiên liệu sinh học vẫn chưa có.

Chật vật

Một DN sau khi tìm hiểu về sản xuất nhiên liệu sinh học cho biết: Sản xuất nhiên liệu sinh học khi mới bắt đầu, giá thành khá cao, do phải đầu tư cho vùng nguyên liệu cùng các trang thiết bị sản xuất rất tốn kém. Trong khi đó năng suất của vùng nguyên liệu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, quy trình trồng và chăm sóc, thời tiết... Bên cạnh đó nhiên liệu sinh học chỉ có thể vận chuyển bằng ôtô đến các điểm bán chứ không thể vận chuyển bằng đường ống như xăng dầu thông thường... Tất cả những điều này đã làm tăng chi phí đáng kể, khiến cho nhiên liệu sinh học khó cạnh tranh với xăng dầu thông thường, trong khi các chính sách ưu đãi  cho nhà đầu tư chưa có, vì vậy không thể đầu tư.

Ông Lê Xuân Trình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- DN sản xuất xăng E5 chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của những đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng sinh học hiện nay là do sản phẩm mới, chưa có quy định ưu đãi về thuế nên giá thành khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống. Để  đầu tư cho sản xuất xăng E5, PV Oil đang tìm mọi cách để tiết giảm chi phí trong mọi khâu liên quan. Các đơn vị tham gia sản xuất, phân phối và bán lẻ nhiên liệu sinh học đều mong muốn nhận được những hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy tiến trình này.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học, trong khi người dân cũng đã nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học.

Các DN cho rằng nếu họ được miễn giảm thuế, ưu đãi về vay vốn, về sử đụng đất... đúng như trong Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 mà Chính phủ đã phê duyệt, chắc chắn sẽ đầu tư để  sản xuất nhiên liệu sinh học. Bởi những chính sách này khá hấp dẫn và như vậy sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ phát triển mạnh mẽ, với sản lượng ngày càng nhiều, chất lượng tốt, qua đó góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và giảm ô nhiễm môi trường.

Tại Hội thảo: "Nhiên liệu sinh học cho vận tải: Tiềm năng - điều kiện phát triển" ngày 26/10/2010, PGS TS Chu Tuấn Nhạ - Chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết, việc sản xuất nhiên liệu sinh học ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao nên chưa thể rẻ hơn xăng dầu truyền thống, vì thế ban đầu bao giờ cũng phải có chính sách khuyến khích của Nhà nước như giảm thuế, hỗ trợ nghiên cứu... có như vậy thì giá thành của nhiên liệu sinh học mới cạnh tranh được. Nhiều quốc gia trên thế giới khi phát triển nhiên liệu sinh học đều khuyến khích thông qua những ưu đãi về thuế, phí và các chính sách hỗ trợ khác. Tại Hàn Quốc, lộ trình này  5 - 10 năm, sau  đó giá thành của nhiên liệu sinh học hoàn toàn có thể cạnh tranh được với xăng dầu thông thường.

"Đẻ và quên nuôi"

Trong Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, chẳng hạn như đến năm 2010 phải xây dựng xong hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất quy mô công nghiệp và sử dụng nhiên liệu sinh học.

Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án, chủ trì xây dựng danh mục được hưởng ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhiên liệu sinh học và cơ chế áp dụng chính sách ưu đãi...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế; về đầu tư, danh mục được hưởng ưu đãi đầu tư và cơ chế áp dụng chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học.

Nhưng đến nay đã sang bước sang năm 2011, theo Đề án là giai đoạn phải mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học và mạng lưới phân phối cho mục đích giao thông và sản xuất công nghiệp khác thì những nhiệm vụ của giai đoạn trước vẫn chưa được các Bộ, ngành chức năng cụ thể hoá.

Đánh giá về thực trạng sản xuất nhiên liệu sinh học 3 năm qua, các ý kiến đều cho rằng chúng ta vẫn chưa xác định và ổn định được nguồn nguyên liệu. Lý do chính là chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể để quy hoạch vùng nguyên liệu, gây tình trạng thiếu ổn định nguồn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chính cho công nghiệp nhiên liệu sinh học Việt Nam trong 10 năm tới vẫn chưa được xác định cụ thể và quy hoạch vùng. Bên cạnh đó là khung pháp lý về sử dụng nguyên liệu sạch, chính sách khuyến khích đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất, phân phối vẫn còn thiếu.

Quá trình xây dựng ban hành các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế chậm sẽ tác động khiến cho sản xuất nhiên liệu sinh học gặp khó khăn và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của chủ trương đúng. Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng này, mục tiêu nhiên liệu sinh học đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu cả nước vào năm 2015 khó thành hiện thực.

  • Công Minh