Thời xưa, ấn tượng về bếp ăn tập thể không mấy tốt đẹp, chỉ là không có lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận, phải ăn. Ngày nay, thời kinh tế thị trường, người ta có quyền ăn theo ý mình. Để chinh phục được những “miệng ăn” khó tính, bếp tập thể cơ quan phải đạt những yêu cầu ngon - bổ - rẻ -sạch.

Tại Hà Nội, trong hai tòa nhà lớn ở 18 Láng Hạ và 173 Trung Kính, trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có hai nhà ăn mang đúng nghĩa tập thể, mỗi bữa trưa phục vụ năm, sáu trăm người ăn. Ai đã từng ăn sáng, ăn trưa ở một trong hai bếp ăn Dầu khí này, hẳn sẽ khó quên vì các món ăn ngon, không gian thoáng đãng dễ chịu, đúng là “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.

Tiêu chí được Petrosetco đơn vị quản lý các bếp ăn Dầu khí đặt lên đầu tiên là an toàn. Nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp đều là những cơ sở được cấp giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực phẩm được chia ra làm bốn loại: đồ khô, thịt các loại, hải sản và rau củ quả được cung cấp từ các chợ đầu mối ở Đông Anh, Thanh Oai, chợ Thái Hà, chợ Ngã Tư Sở; riêng gia súc, gia cầm thì buộc phải có phiếu kiểm dịch của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.


Các chị nuôi đang dọn rửa khay đĩa

Anh Nguyễn Đức Hải, Bếp trưởng bếp ăn tại Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí, số 18 Láng Hạ cho biết: “Hằng ngày, từ 5giờ sáng nhà bếp đã có mặt để làm các công việc chuẩn bị bữa ăn cho CBCNV của tòa nhà. Tất cả các thực phẩm trước khi nhập vào bếp đều được kiểm tra chất lượng VSATTP rất kỹ lưỡng”.

Tuy chưa có các phương pháp kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật, nhưng bằng con mắt của các đầu bếp có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh Hoàng Tất Thắng quản lý vệ sinh bếp ăn đảm bảo, thực phẩm được chế biến chắc chắn là những thực phẩm đạt tiêu chuẩn cao về VSATTP. Thực phẩm được phân loại riêng biệt, và bảo quản ở điều kiện tốt nhất trước khi mang ra sử dụng. Những trường hợp nhà cung cấp đưa đến thực phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng thì ngay lập tức cho mang về để đổi lại, nếu không sẽ bị áp dụng các chế tài đã ký trong hợp đồng.

Anh Hải cho biết thêm: “Ở đây chúng tôi áp dụng quy trình chế biến một chiều của Bộ Y tế, tức là thực phẩm được đưa vào khu tiếp nhận nguyên liệu rồi chuyển qua sơ chế (rửa) – chế biến (tẩm ướp) – nấu nướng – sau cùng là chuyển ra phục vụ. Đồ ăn trong ngày đều được lưu mẫu lại sau 24 giờ dùng làm căn cứ phòng khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhưng từ khi nhà ăn hoạt động đến giờ thì không có bất kỳ một sự cố nào. Các món ăn được thay đổi thực đơn theo ngày, và được lên kế hoạch trước cả tuần để cho mọi công đoạn được chuẩn bị chu đáo hơn”.

Chị Trần Lệ Thu, quản lý bếp ăn của Tòa nhà Viện Dầu khí, số 173 Trung Kính khẳng định: “Quy trình VSATTP được quán triệt tới từng cán bộ đầu bếp, nhân viên và đặt lên hàng đầu, sứ mệnh của các nhà ăn trong Tập đoàn là phục vụ, tiện ích chứ không phải là kinh doanh nên mọi yêu cầu chất lượng đặt ra là phải tốt nhất”.

Chị Thu cho biết, quy trình vệ sinh dụng cụ, đồ dùng nhà bếp như: bát, đĩa, thìa, khay, xoong chảo… là một quy trình được thực hiện nghiêm ngặt. Khay, bát đĩa sau khi dùng xong thì đồ ăn thừa được gạt bỏ vào thùng rác, chuyển qua khâu ngâm xà phòng và rửa qua sơ bộ bằng tay, sau đó đưa vào máy rửa bát chuyên dụng xả và rửa bằng nước có nhiệt độ khoảng 70-800C. Sau cùng là qua khâu tẩy tráng bằng hóa chất cộng với nước ở áp suất cao có nhiệt độ trên 900C để bề mặt dụng cụ tự khô nhanh rồi được xếp lên giá cao.

Toàn bộ nhân viên của Bếp ăn Dầu khí đều buộc phải qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao ý thức VSATTP, và song hành với điều đó, một công tác được đặc biệt quan tâm là khám sức khỏe định kỳ thường xuyên cho CBCNV. Những bệnh thuộc loại “cấm kỵ” đối với nhân viên phục vụ trong nhà ăn là bệnh viêm gan B, bệnh vi khuẩn đường ruột, bệnh lao…, vì những loại bệnh này rất rễ lây lan qua đường ăn uống. Ở tất cả các khâu liên quan, để tránh tiếp xúc trực tiếp với thức ăn nhân viên đều phải mặc đồng phục, đeo găng tay, tạp de, khẩu trang, sử dụng thanh gắp thức ăn bằng inox được tiệt trùng…

Hằng ngày, mỗi bếp ăn phải chuẩn bị gần 600 suất ăn nên công việc của CBCNV nói chung, của bếp trưởng cũng như người quản lý nói riêng là rất vất vả căng thẳng. Chị Thu tâm sự: “Nếu như chúng tôi có thể làm hài lòng được trên 70% lượng khách thì đó đã là thành công rồi. Áp lực công việc là rất lớn bởi tất cả ai cũng mong vừa được lòng khách”.

Không chỉ cẩn trọng với VSATTP, anh chị em CBCNV Bếp ăn Dầu khí còn rất chú tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa công sở, thái độ phục vụ, chấp hành nội quy của nhà bếp.

Mỗi ngày, thường khi mọi công việc nấu nướng, chuẩn bị vừa hoàn tất cũng là lúc đến bữa. Quang cảnh giờ ăn ở Bếp ăn Dầu khí. Bên cạnh từng hàng cán bộ, nhân viên nối xếp ngay ngắn tiến dần lại khu vực chia đồ ăn, trên tay mỗi người một chiếc khay inox sáng bóng, khô ráo và sạch sẽ là hình ảnh các “chị nuôi” tươi tắn và ân cần trong bộ đồng phục trắng tinh bên những khay thức ăn thơm ngon, bắt mắt.

Những bữa ăn ngon và chất lượng của Bếp ăn Dầu khí không chỉ làm hài lòng khách như chị Thu mong muốn, mà còn tiếp thêm năng lượng mới cho mỗi cán bộ, nhân viên để họ có những ngày làm việc hiệu quả hơn. Đằng sau hình ảnh mọi người háo hức xuống nhà ăn và mãn nguyện lúc ra về chính là sự ghi nhận và biết ơn của họ đối với công sức âm thầm và tấm lòng tận tụy của những người đầu bếp ở đây.

Các “anh nuôi, chị nuôi” của Bếp ăn Dầu khí có quyền được tự hào và hài lòng về chính mình, về một mô hình bếp ăn tập thể kiểu mẫu có thể đáp ứng nhu cầu và làm hài lòng những “khách ăn” khó tính nhất.

(Tít do trang Dầu khí đặt).

  • Đình Sơn (theo Petrotimes)