Một nghiên cứu cho thấy, phương pháp mới chống lại sự biến đổi khí hậu bằng than sinh học có thể không gây ra nhiều thiệt hại đối với động vật ở trong đất như các nghiên cứu công bố trước đây.

TIN LIÊN QUAN

Giun đất thực hiện nhiều chức năng cần thiết và có lợi cho hệ sinh thái đất như cải thiện cấu tạo đất và khoáng hoá các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên khả năng thực hiện các chức năng này của chúng có thể bị phá hủy khi bị tiếp xúc với các chất độc hại.

Than sinh học không gây tác động nhiều đến giun đất như người ta nghĩ. Ảnh minh họa.

Một nhà nghiên cứu địa chất tại Trường Đại học Baylor, cùng với các nhà khoa học Đại học Rice, đã thử nghiệm tác dụng của một phụ gia mới cho đất gọi là than sinh học (biochar) đối với giun đất. Họ nhận thấy làm ướt than sinh học trước khi dùng làm giảm nhẹ tác hại đến giun đất.

Than sinh học ngày càng được quan tâm bởi những lo ngại về biến đổi khí hậu do các khí thải cácbon và các khí nhà kính khác gây ra. Than này là một sản phẩm phụ của năng lượng tái tạo và sản xuất nhiên liệu từ thực vật như phế thải lâm nghiệp. Đó là một dạng than có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất và sinh trưởng của cây trồng bằng cách giữ nước và các chất dinh dưỡng, đồng thời lưu giữ cacbon trong đất hàng trăm năm. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây lại cho rằng, than sinh học có thể gây ra những tác hại lớn đối với loài giun đất.

Tiến sĩ Bill Hockaday, phó giáo sư địa chất, Đại học Baylor, đồng tác giả nghiên cứu nói: “Do tiềm năng sử dụng rộng rãi, cần phải giảm thiểu các hậu quả không lường trước được do việc dùng than sinh học làm giàu cho đất gây ra. Các kết quả cho thấy rằng tùy thuộc vào lượng mưa và tưới tiêu, cần làm ướt than sinh học trước hoặc ngay khi dùng cho đất để ngăn chặn sự biến mất của giun đất và duy trì các tác động có lợi của chúng đối với đất”.

Các nhà khoa học cũng cho biết than sinh học không làm ảnh hưởng đến sinh sản của giun đất.

Ông Dong Li, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Quan trọng nhất, chúng tôi là người đầu tiên chứng minh rằng than sinh học không làm giảm hệ thống miễn dịch của một số sinh vật nhạy cảm trong đất. Đây là một bước tiến quan trọng cho một chiến lược rất hứa hẹn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Quang Diệu (Theo Science Daily)