Các nhà khoa học Nga đã xây dựng được một phương pháp độc đáo để sản xuất diesel sinh học từ bùn đáy ao hồ và bùn từ cống rãnh nước thải của thành phố.

TIN LIÊN QUAN

Theo các chuyên gia, các chất hữu cơ lắng đọng dưới đáy nước, bùn thải từ các thiết bị tinh chế, chất dầu mỡ sinh hoạt trong cống rãnh đều có thể sử dụng một cách có hiệu quả để sản xuất diesel sinh học, chất lượng không thua kém nhiên liệu diesel bình thường lại không độc và dễ dàng phân hủy.

15 ml nguyên liệu sinh học loại này lần đầu tiên đã thu được trong phòng thí nghiệm với “đầu vào” là bùn hữu cơ lắng đọng lấy lên từ đáy hồ Bugatsh, vùng Krasnoiarsk (Siberia, Liên bang Nga). Nghiên cứu chỉ ra rằng loại diesel sinh học này đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu về nhiệt độ cháy, nhiệt lượng (số calo tỏa ra khi đốt háy hoàn toàn 1 gam chất) và độ bền oxi hóa.

Một trong những tác giả của đề tài nghiên cứu là Mikhail Gladysev cho biết: “Chất lượng của loại dầu diesel sinh học này tương đối tốt là nhờ tỷ lệ axit béo trong thành phần của bùn cao, đạt tới 14,5%. Bùn đáy các ao hồ… là nguồn nguyên liệu khá phong phú. Bùn cống rãnh chưa chất béo từ sinh hoạt gia đình thải ra cũng có thể chế biến thành diesel sinh học, phù hợp với tiêu chuẩn sinh thái Euro-4”

Cho tới nay, dầu diesel sinh học mới chỉ được ản xuất từ nguyên liệu thực vật ví dụ dầu đậu tương, rong biển… và riêng nguyên liệu đã chiếm đến 75% giá thành của sản phẩm, nằm ở khâu trồng trọt, thu hoạch và chế biến nguyên liệu thô.

Các nhà khoa học Nga cho rằng, sản xuất nhiên liệu từ những chất lắng đọng dưới đáy thủy vực sẽ thu được lợi nhuận cao, vì nguyên liệu không mất tiền mua, và lượng bùn nạo vét từ các ao hồ và thủy vực hàng năm hoàn toàn đủ đáp ứng cho một vài nhà máy, sản xuất diesel sinh học.

Bảo Châu (Theo Rian)