Vệ tinh ROSAT đã lao vào khí quyển Trái đất trong khoảng thời gian từ 1h45 -2h45 phút sáng 23/10 (giờ GMT) và với tốc độ khủng khiếp của nó, ROSAT chỉ cần 10-15 phút để tiếp đất.
TIN LIÊN QUAN
Người phát ngôn của Trung tâm Không gian Đức (GAC) cho biết, hiện các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định chính xác thời điểm cũng như vị trí rơi của ROSAT, dù vài giờ trước khi vệ tinh này va chạm với khí quyển, người ta đã dự đoán được rằng nó sẽ không rơi xuống châu Âu, châu Phi và Úc.
Vệ tinh ROSAT đã rơi xuống khu vực Đông Nam Á. 
Tiến sĩ Jonathan McDowell của Trung tâm Thiên văn Harvard – Smithsonian, tiết lộ với Reuters rằng những tính toán về đường đi của ROSAT cho thấy, nhiều khả năng nó sẽ ở trên vùng trời châu Á tại thời điểm xuyên thủng bầu khí quyển. “Có vẻ như vệ tinh đã rơi đâu đó ở khu vực Đông Nam Á”, ông McDowell cho hay.

Phần lớn các mảnh vỡ của vệ tinh sẽ bị thiêu rụi ngay khi ROSAT lao vào khí quyển, tuy nhiên GAC cảnh báo có thể 30 mảnh vỡ với tổng trọng lượng 1,87 tấn sẽ sống sót qua khỏi giai đoạn này. Chúng sẽ tiếp tục lao xuống mặt đất với vận tốc lên tới 450 km/giờ.

“Cho tới thời điểm này vẫn chưa có bất cứ thông tin phản hồi nào về vị trí rơi chính xác của vệ tinh, do đó, nhiều khả năng là ROSAT đã không đáp trúng các khu vực đông dân cư”, GAC phân tích.

Trong khi đó, theo BBC, những thông tin do quân đội Mỹ cung cấp gợi ý rằng ROSAT đã rơi đâu đó ở vùng biển Ấn Độ Dương, ngoài khơi Myanmar hoặc có thể là vùng núi hẻo lánh nào đó của Trung Quốc.

Tiến sĩ McDowell cho rằng, phải mất vài ngày các nhà khoa học mới có thể định vị được chính xác các mảnh vỡ còn lại của vệ tinh Đức. Hồi tháng trước, NASA cũng phải mất vài ngày tìm kiếm mới có thể nhận biết được vị trí rơi của vệ tinh UARS.

Khoảng 30 mảnh vỡ của vệ tinh ROSAT đã lao xuống Trái đất.
Với kích cỡ tương đương một chiếc xe tải nhỏ, trọng lượng 2,69 tấn, vệ tinh ROSAT được phóng lên không gian vào năm 1990. Nó đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu về lỗ đen và các ngôi sao mới trước khi “nghỉ hưu” vào năm 1999.

Kể cả trong những ngày “cuối đời”, vệ tinh này vẫn bay vòng quanh trái đất nên rất khó để dự đoán nó sẽ rơi xuống đâu khi “tái ngộ” bầu khí quyển. Bộ phận lớn nhất của ROSAT có thể đe dọa Trái đất chính là tấm gương chịu được nhiệt độ cao của chiếc kính viễn vọng này. “Thiệt hại của nó tương đương với việc một chiếc máy bay làm rơi mất động cơ vậy. Nó sẽ gây hỏng nặng nếu rơi trúng bất cứ thứ gì, nhưng hậu quả chỉ là trên diện hẹp”, Tiến sĩ McDowell so sánh.

Sau khi vệ tinh UARS của NASA được phóng lên vũ trụ vào năm 1991, người ta đã áp dụng quy chuẩn mới để hạn chế tình trạng rác vũ trụ và vệ tinh cũ rơi trở lại Trái đất. Hầu hết các vệ tinh lớn hiện nay đều đã được trang bị hệ thống đẩy để mặt đất có thể kiểm soát và điều khiển vệ tinh rơi xuống đâu. Ngoài ra, hệ thống phần mềm hiện đại cũng cho phép dự đoán và theo dõi chính xác hơn.

Trọng Cầm