- Tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ giữa ASEAN và EU, kết nối mạng lưới các nhà khoa học của hai khu vực nhằm cùng nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay, đó là chủ đề chính trong Hội nghị vừa diễn ra ngày16/11 vừa qua.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ dự án SEA-EU-NET thuộc Chương trình Khung về Nghiên cứu Khoa học và Phát triển Công nghệ lần thứ 7 của EU - FP7 (2007-2013) với mục tiêu chiến lược là tăng cường hợp tác khoa học công nghệ giữa ASEAN - EU thông qua các hoạt động điều phối và hỗ trợ.

Trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Lê Văn.
Việc triển khai Dự án SEA-EU-NET thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức khoa học Việt Nam vào các dự án hợp tác khoa học và công nghệ với EU cũng như xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Khung (FP7) của EU.

Tính đến cuối tháng 10/2010, Việt Nam đã tham gia vào 27 dự án nghiên cứu chung được tài trợ bởi FP7, đạt tỷ lệ thành công là 33,3% (cao nhất khu vực Đông Nam Á và trên mức bình quân là 23,9%). Tổng số tiền tài trợ của FP7 dành cho các đối tác của Việt Nam đến nay là 3,38 triệu Euro, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Hội nghị này cũng là dịp khởi động “Năm Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2012” (YoSTI 2012) – một sáng kiến về hợp tác khoa học công nghệ giữa ASEAN và EU, nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa hai khu vực quan trọng này trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.

Bên cạnh các phiên họp đối thoại về chính sách khoa học, trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra ba phiên hội thảo khoa học về các chủ đề: Dấu ấn sinh thái EU-ASEAN; Xây dựng và quản lý thành phố xanh/bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; An ninh nước và quản lý nước.

Hội thảo kết thúc vào chiều ngày 17/11.

P.V