Một bạn đọc giấu tên hỏi: Cháu mới 12 tuổi đã hơn 57 kí. Người ta bảo cháu béo quá. Tụi bạn chế là “sumô”. Cháu muốn hỏi: 1.Thế nào là béo vừa, béo quá? 2. Sumô là những ai? Có lợi gì, có hại gì? 3.Và nếu như cháu muốn “thừa thắng xông lên” làm sumô luôn được không?
Trả lời cháu từng câu nhé .
1. Thế nào là béo quá?
Cháu mới 12 mà đã 57 kí thì “hơi bị nặng” thật đấy. Cháu chỉ so sánh mình với bạn bè đủ thấy mình “béo vừa” hay “béo quá” rồi còn gì. Người ta không có “tiêu chuẩn béo” cho trẻ em mà chỉ cho người trưởng thành, gọi là chỉ số BMI. Trước hết, đo chiều cao (bằng mét), rồi cân (bằng kilogam). Sau đó, lấy cân nặng chia cho bình phương của chiều cao, thì kết quả ấy gọi là chỉ số BMI.
Nếu:
BMI = <18.5 là gầy, là thiếu cân,
BMI = 18.5–24.9 là vừa phải (tốt nhất đấy !),
BMI = 25–29.9 là thừa cân, phải điều chỉnh bằng cách ăn kiêng, tập thể dục (béo vừa)
Còn nếu BMI= 30 trở lên là béo phì, coi như bệnh, phải điều trị kết hợp với ăn kiêng và thay đổi cách sống (béo quá).
2. Về “nghề” sumô
Các võ sĩ sumô của Nhật. Ảnh: weirdasianews. |
Đặc biệt là phải được vỗ béo, mỗi ngày ít nhất 3 bữa, theo một chế độ ăn đặc biệt gồm thịt bò, cá, các sản phẩm từ đậu tương và rau (với lượng gấp 6 người bình thường). Sau bữa chính, tráng miệng bằng kem, hoa quả, bánh ngọt… và nhiều người còn cố nuốt thêm chừng 20 quả trứng mỗi ngày… Ăn xong, ngủ ngay để tích mỡ cho cơ thể. Họ dậy sớm, luyện tập khi còn đói và sau đó lại lao vào những bữa ăn hoành tráng như vừa kể.
Võ sĩ sumo chia thành 6 đẳng cấp, tuỳ theo thành tích thi đấu. Họ có thu nhập rất cao và được xã hội kính trọng, là thần tượng của các cô gái. Nhiều người có các hội “fan cuồng nhiệt” chẳng khác gì các ca sĩ, diễn viên.
Mấy năm qua, nhiều sumô nước ngoài cũng đến Nhật thi đấu, thậm chí còn soán ngôi vô địch, khiến cho giới sumô Nhật Bản mất mặt, dân chúng chỉ trích dữ dội.
3. Có nên trở thành võ sĩ sumô không?
Cháu có ý muốn “thừa thắng xông lên” để làm võ sĩ sumô thật là một suy nghĩ độc đáo. Song vừa rồi chỉ mới nói đến các vinh quang. Họ còn cả những cay đắng nữa.
Để đạt được cả danh vọng và tiền bạc, các võ sĩ sumô phải trả giá khá đắt. Cường độ tập luyện thì cực kỳ vất vả (song ở các môn thể thao khác chắc cũng vậy, chắc với cháu cũng không phải là khó khăn chính). Trong khi mọi người muốn giảm cân còn chả được thì với họ, càng béo càng tốt. Vì thế họ lĩnh trọn hậu quả của sự thừa cân mang lại: bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh thấp khớp… Tất cả những bệnh ấy hành hạ họ lúc về già. Và cũng chính vì bệnh tật nên tuổi thọ của các võ sĩ sumô không cao, chỉ là 57 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của người Nhật là 82.
Nếu 12 tuổi nặng 55 kg thì cháu đạt tiêu chuẩn đầu vào khi tuyển sumô của họ, nhưng chưa chắc cháu có thể vỗ béo được đến 150-200 kg khi trưởng thành. Vả lại, ở ta không có môn thể thao “càng béo càng tốt” này và có lẽ trong tương lai cũng không phát triển, nên muốn cũng chẳng có điều kiện.
Tốt hơn hết, cháu phấn đấu giảm cân và thử bắt đầu chơi một môn thể thao (trừ sumô), theo lời khuyên của bố mẹ và thầy cô. Chúc cháu học thật tốt và giảm được trọng lượng.
Tuấn Hà