Loài người bắt đầu biết câu cá ngoài biển sớm hơn so với chúng ta nghĩ trước đây, sau khi các nhà khoa học thuộc trường đại học quốc gia Australia phát hiện thấy một chiếc lưỡi câu có niên đại cách đây 42.000 năm.
Hang Jerimalai, nơi tìm thấy lưỡi câu có niên đại cách đây 42.000 năm. |
Những nghiên cứu trước đây cho rằng loài người bắt đầu có thể vượt biển để khám phá những vùng đất mới như Australia cách đây khoảng 50.000 năm. Những bằng chứng tìm được từ trước tới nay cũng thấy loài người chỉ mới biết đánh cá ở những vùng biển sâu cách đây khoảng 12.000 năm.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí LiveScience của tiến sĩ Sue O'Connor và các cộng sự thuộc trường đại học quốc gia Australia cho thấy rằng loài người biết câu cá cách đây 42.000 năm, sớm hơn rất nhiều so với những nghiên cứu trước đây.
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy lưỡi câu và hóa thạch xương của những loài cá lớn như cá ngừ trong hang Jerimalai ở Đông Timor thuộc khu vực Đông Nam Á. Kết quả phân tích khảo cổ học cho thấy chiếc lưỡi câu được làm băng xương có niên đại cách đây khoảng 42.000 năm. Đây là dụng cụ câu cá lâu đời nhất được phát hiện từ trước tới nay.
“Những bằng chứng chúng tôi tìm được trong nghiên cứu này cho thấy rằng những người tiền sử có thể đã biết sử dụng lưỡi câu bằng xương để câu cá ngừ ở eo biển gần khu vực hang Jerimalai trên đảo quốc Đông Timor”, tiến sĩ Sue O'Connor, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Hang Jerimalai lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2005 với nhiều hóa thạch xương cá, rùa, trăn, chuột, dơi, chim và gần 10.000 đồ dùng bằng đá. Khoảng 1/2 hóa thạch xương cá được tìm thấy ở địa điểm này là xương cá biển như cá ngừ sống ở những vùng biển sâu.
Nhóm nghiên cứu giải thích những người tiền sử trên đảo Timor biết đánh cá từ rất sớm là do hòn đảo này có rất ít động vật trên mặt đất và chỉ có một số loài chim nhỏ, nên họ đã tìm cánh đánh bắt cá ngoài biển để bổ sung nguồn thực phẩm
Hà Hương