Hầu hết các loại cây biết thông tin cho nhau và chúng làm điều đó chẳng kém gì những con người hiện đại. Thậm chí những đại diện của giới thực vật im hơi lặng tiếng còn có cả mạng internet riêng nữa.

Cây cối thông tin cho nhau nhờ mạng lưới nấm rễ (micoriza). Ảnh minh họa.

Cây cối thông tin cho nhau nhờ nấm. Mạng lưới nấm rễ (micoriza) - loại nấm thân thuộc với thực vật lan toả chằng chịt dưới mặt đất tạo ra một mạng lưới thông tin rất rộng và vô cùng độc đáo. Qua mạng lưới rễ này cây cối truyền cho nhau những tín hiệu báo nguy.

Ví dụ một cây nào đó bị côn trùng (sâu róm, châu chấu), chim chóc hoặc các loài thú tấn công thì những cây cối khác, thông qua mạng “internet rễ nấm” sẽ nhận được thông tin và phản ứng kịp thời trước sự đe doạ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mạng “internet rễ nấm” là thông báo về bệnh tật. Các nhà sinh học cho rằng có thể tránh những trận dịch toàn cầu trong thế giới thực vật nhờ mạng lưới rất hiệu quả này.

Mạng lưới rễ nấm và phương tiện lan truyền tuyệt vời những tín hiệu sinh hoá. Các nhà khoa học đã tiến hành những thí nghiệm sau đây: Tạo ra hai nhóm cà chua, một nhóm duy trì hệ liên lạc với nhau bằng nấm rễ, một nhóm đã diệt hết nấm rễ.

Sau đó, họ gây bệnh cho cả hai nhóm này. Sau 65 giờ, xem xét tỷ lệ nhiễm bệnh của hai nhóm. Nhóm 1, tỷ lệ nhiễm bệnh rất nhỏ, trong khi ở nhóm 2, sự lây lan bệnh rất trầm trọng.

Các nhà khoa học cho rằng, nhờ hệ “internet rễ nấm”, các loài thực vật khác nhau đã trao đổi những thông tin cho nhau. Nhờ vậy, những cây cà chua thuộc nhóm 1 sớm biết tin về nguy cơ nhiễm bệnh nên đã huy động khả năng miễn dịch vốn có để chống lại, trong khi các cây nhóm 2 “mù tịt” thông  tin nên bị động và bị nhiễm bệnh nghiêm trọng.

Ngoài mạng thông tin nấm rễ, thực vật còn thông báo cho nhau từ xa, qua không khí. Để làm việc này, chúng đã dùng các hoá chất đặc biệt, với mục đích cảnh báo những nguy hiểm.

Tuấn Hà