Thời của những chiếc TV màn hình phẳng có thể cuộn lại và nhét vừa túi áo của bạn đã không còn xa.

Công nghệ mới do một nhóm các nhà khoa học Anh phát triển cho phép chế tạo ra những dòng TV siêu mỏng, thậm chí còn mỏng hơn cả màn hình OLED mà Sony giới thiệu hồi năm ngoái.

Màn hình OLED siêu mỏng mà Sony giới thiệu năm 2010.
Với tên gọi “Chấm lượng tử”, công nghệ này sử dụng những hạt phát sáng nhỏ hơn chiều rộng của một sợi tóc tới 100.000 lần. Chấm lượng tử sẽ được in lên một tấm nhựa dẻo, có thể cuộn lại được hay thậm chí là in lên những khổ giấy cỡ lớn để tái tạo màn hình “khủng”.

Chính nhờ kích cỡ siêu nhỏ mà một chấm lượng tử có thể cho phép nhà sản xuất quyết định chiều dài bước sóng của ánh sáng mà nó phát ra, từ đó quyết định màu sắc mà mắt người có thể nhìn thấy.

Hệ quả là trong quá trình sản xuất, người ta có thể thiết kế để các chấm lượng tử phát ra bất cứ màu sắc nào hiện có.

Ngay cuối năm sau

Hiện tại, các nhà khoa học Manchester đang làm việc cùng một số hãng điện tử lớn của châu Á, và rất có thể, thế hệ TV đầu tiên ứng dụng chấm lượng tử sẽ lên kệ ngay cuối năm sau.

Một trong những mô hình mẫu đầu tiên của màn hình chấm lượng tử
Tuy nhiên, màn hình dẻo thực thụ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, có thể là hơn 3 năm, để đáp xuống thị trường. Dù nhóm nghiên cứu không tiết lộ họ đang thương thảo với ai, song báo chí Anh tin rằng Sony, Sharp, Samsung và LG đều đang quan tâm tới chấm lượng tử.

Hầu hết TV hiện nay đều sử dụng màn hình tinh thể lỏng, được chiếu sáng bởi diode phát sáng (LED) nên độ dày màn hình cần thiết là vài inch. Một khi sử dụng chấm lượng tử, TV sẽ nhẹ hơn và mỏng hơn mọi công nghệ mà chúng ta từng biết.

“Khởi đầu sẽ là những thiết bị cá nhân cỡ nhỏ. Nhưng về lâu dài, chúng tôi nghĩ đến những tấm giấy dán tường hoặc rèm kéo được làm từ vật liệu in chấm lượng tử. Bạn sẽ có thể nhìn thấy cảnh mặt trời mọc trên bãi biển mỗi sáng thực dậy”, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Trọng Cầm