- Xăng có phải là nguyên nhân gây ra những vụ cháy xe hàng loạt diễn ra trong thời gian gần đây trở thành câu hỏi nóng trong cuộc hội thảo khoa học trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy sáng nay, 10/2.

Những vụ cháy xe liên tiếp trong thời gian gần đây đang gây hoang mang trong dư luận.

Những vụ cháy xe liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đang trở thành một vấn đề nóng trong dư luận. Theo số liệu của Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội thì từ 1/1/2011 – 1/10/2011, cả nước có 72 vụ cháy, nổ xe máy và ô tô được ghi nhận, trong đó chỉ xác định được nguyên nhân của 25 vụ, còn lại 50 vụ (chiếm tới 70%) vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng nhất đó là, cho tới hiện tại, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra cháy xe là do đâu.

Ngày 10/2, Sở KH&CN Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học Trao đổi về các nguyên nhân cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy với sự tham gia của nhiều nhà khoa học cũng như đại diện các cơ quan quản lý nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng cháy xe hàng loạt trong thời gian qua, vấn đề được coi là bức thiết nhất hiện nay.

Hội thảo mở đầu bằng hai báo cáo phân tích các nguyên nhân gây ra cháy xe của PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội và ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm An toàn hóa chất Bảo vệ Môi trường.

Cả ông Tuấn và ông Chúc từ kinh nghiệm và số liệu mình có để chỉ ra rằng, việc cháy xe có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì và điều kiện vận hành. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, đối với các vụ cháy xe ở Việt Nam xảy ra trong thời gian gần đây, ý kiến của ông nghiêng về các nguyên nhân từ hệ thống điện.

Ông Lê Cảnh Hòa cho rằng, không thể đổ nguyên nhân gây cháy xăng cho nhiên liệu. Ảnh: L.V.

Hội thảo chỉ bắt đầu nóng lên khi ông Lê Cảnh Hòa, trưởng tiểu ban tiêu chuẩn nhiên liêu bôi trơn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng không thể nói nguyên nhân cháy xe máy và ô tô trong thời gian gần đây là do nhiên liêu được.

Theo ông Hòa thì mỗi ngày, một cửa hàng xăng đầu có tới hàng trăm lượt người tới đổ xăng, vậy nếu nói nguyên nhân cháy nổ xe là do xăng thì không thể lý giải được vì sao xe máy lại chỉ bốc cháy ở một vài trường hợp ngẫu nhiên.

Ý kiến của ông Hòa dường như có được căn cứ vững chắc khi báo cáo kết quả kiểm tra một số mẫu xăng dầu trên toàn quốc của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy, hầu như không mẫu xăng nào bị nghi vấn có thể gây cháy nổ dù đại đa số các mẫu xăng ở khu vực phía Nam không đạt tiêu chuẩn.

Ngay đối với mẫu xăng lấy từ bình xăng của xe máy biển số 30-F2 7879 bị cháy trên đường Thái Hà, Hà Nội, ngày 28/12/2011 và mẫu xăng lấy từ Cửa hàng XD số 1 Lương Yên (Hà Nội) nơi xe máy trên đổ xăng lần cuối, kết quả cho thấy cũng bình thường.

Về thông tin có mẫu xăng kiểm tra có hàm lượng methanol quá cao, ông Hòa cũng cho rằng, về tính chất, methanol không khác gì nhiều so với ethanol, do vậy vẫn có thể pha vào trong xăng với tiêu chuẩn do phép mà vẫn đảm bảo an toàn. Thêm nữa, trên thế giới, người ta không dùng methanol để pha vào xăng không phải vì sợ gây cháy nổ như người ta vẫn nói.

Ông Hoàng Mạnh Hùng bảo vệ ý kiến của mình, cho rằng nhiên liệu chính là nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe chưa thể giải thích trong thời gian vừa qua. Ảnh: L.V.

Không đồng tình với ý kiến của ông Hòa, PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, Trung tâm tư vấn giám định dân sự cho rằng, nguyên nhân cháy xe mà ông xác định nghiêng về vấn đề nhiên liệu. Theo giải thích của ông Hùng, các chất phụ gia như aceton, methanol, thậm chí là cả ethanol đều có tác dụng làm tăng thẩm thấu qua chất dẻo, gây ăn mòn kim loại, đặc biệt tại các bộ phận tiếp xúc giữa dây dẫn với các bộ phận động cơ.

Do đó, tỉ lệ sự hở và phát tán các chất bay hơi hữu cơ tăng lên đáng kể, tỉ lệ của hơi xăng với không khí có giới hạn nổ rất rộng. Hơi methanol và aceton rò rỉ tạo với không khí hỗn hợp khí đạt đến giới hạn nổ.

Ngoài ra, khí hidro giải phóng do methanol hòa tan nhôm, khí hidro nhẹ nên dễ dàng thoát ra qua các khe hở chất dẻo. Khi xe dừng lại, nồng độ hidro trong không khí từ 4-76% sẽ đạt nồng độ nổ cháy của hidro.

Đồng tình với ông Hùng, ông Vũ Thường Bồi, Hội Khoa học và Kỹ thuật Hàng không Việt Nam thì nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy xe là chất lượng nhiên liệu kém do pha nhiều các chất phụ gia. Tuy nhiên, xác suất xảy ra các vụ cháy không giống nhau là vì chất lượng các chi tiết của động cơ không giống nhau, do vậy tác dụng của các chất này lên động cơ là khác nhau.

TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cũng cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiên liệu. Tuy nhiên, vấn đề bà An muốn nhấn mạnh lại từ góc độ quản lý.

Theo bà An, khi xăng đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ không gây ra vấn đề gì nhưng khi không đạt tiêu chuẩn thì nguy cơ gây ra cháy nổ sẽ rất cao. Do vậy, vấn đề là phải quy trách nhiệm về các đầu mối và phải có những chế tài đủ mạnh để buộc những đầu mối nhiên liệu này phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu mà họ bán ra.

Liệu xăng có phải là nguyên nhân gây ra những vụ cháy xe hàng loạt trong thời gian qua hay không vẫn cần có nghiên cứu và kết luận chính cụ thể từ cơ quan hữu quan. Song, rõ ràng xăng chiếm tỉ lệ xác suất lớn trong số những vật liệu có thể gây cháy trên ô tô và xe máy.

Việc nhiều cửa hàng và đại lý xăng dầu tự ý pha thêm các chất phụ gia chưa được cho phép hoặc pha quá tỉ lệ an toàn được quy định diễn ra phổ biến như hiện nay càng làm xăng dễ trở thành tác nhân chính trong các vụ cháy nổ xe. Bởi lẽ, các chất phụ gia được pha với một tỉ lệ lớn sẽ gây ra sự lão hóa nhanh đối với các chi tiết động cơ, làm rò rỉ nhiên liệu và khi gặp nguồn phát nhiệt, hay tia lửa từ một nguồn nào đó thì hoàn toàn có thể gây ra cháy xe.

Nam Phong