Biển có nhiều loài sinh vật lạ nhưng lại không có đa dạng loài phong phú bằng đất liền. Ảnh: Livescience. |
Nghiên cứu được tiến hành bởi nhóm tiến sỹ John J. Wiens và các sinh viên Khoa Sinh thái và Tiến hóa, Đại Học Stony Brook, Mỹ; kết quả được đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society.
Wiens và sinh viên đã xem xét đa dạng sinh học của cá vây tia, loài cá có số lượng loài đông nhất trong tất cả những loài động vật có xương sống trong môi trường nước mặn và chiếm 96% tổng số các loài cá hành tinh.
Họ phân tích những cây tiến hóa dựa trên hóa thạch và dữ liệu DNA (nguyên liệu di truyền của sinh vật). Họ cũng phân tích trên một cơ sở dữ liệu lớn về môi trường sống của gần như mọi loài cá tồn tại hiện nay.
Phân tích chỉ ra sự khác biệt đáng ngạc nhiên về đa dạng sinh học giữa môi trường sống nước ngọt và nước mặn. “Có nhiều loài cá trong môi trường nước ngọt hơn trong môi trường nước mặn, dù môi trường nước ngọt chỉ chiếm khoảng 2% bề mặt trái đất. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, hầu hết các loài cá nước mặn còn sống hiện nay đều là hậu duệ của các tổ tiên cá nước ngọt”, Physorg dẫn lời tiến sỹ Wiens.
Kết quả này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với “định đề” rằng sự sống bắt nguồn từ biển. Song, giả thuyết được đưa ra là, những cuộc đại tuyệt chủng trong môi trường nước mặn hàng trăm triệu năm trước đã ảnh hưởng đến hành trình “di dân” và tiến hóa của cá.
Ông giải thích cụ thể, đúng là ban đầu các loài cá nước ngọt đã đa dạng hóa từ các tổ tiên nước mặn, nhưng sau đó những tổ tiên nước mặn đó đã bị tuyệt chủng hoàn toàn. Để rồi, cá nước ngọt lại quay lại đại dương, tiến hóa thành các loài cá nước mặn như ngày nay (và cũng vì thế các hậu duệ trên có ít thời gian hơn để phát triển đa dạng sinh học). Đây là lý do vì sao các đại dương rất nghèo các loài sinh vật, thậm chí là cá.
Đinh Đồng