Ngày 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2010.
Bà Phạm Thu Hằng - Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) cho biết, năm 2010, môi trường kinh doanh của VN đã được cải thiện nhiều. Cải cách thủ tục hành chính của VN cũng đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá tiến 10 bậc so với năm 2009.
VN đã được xếp thứ 4 trong các nền kinh tế có tốc độ cải cách nhiều nhất. Năm 2010 cả nước có tới 85.000 DN thành lập mới, nâng tổng số DN lên 545.000. Đóng góp của DN vào tăng trưởng kinh tế ngày một nhiều, đặc biệt khu vực DN tư nhân đã đóng góp tới gần 48% GDP.
Năm 2010, cả nước có 85.000 doanh nghiệp được thành lập mới.
Đây là lần đầu tiên, báo cáo chọn chủ đề "Tái cấu trúc DN VN" để nghiên cứu, đánh giá. Bởi theo bà Hằng, "những gì chúng tôi thu thập được cho thấy, lực lượng DN ở VN hiện nay vẫn còn yếu và dễ bị tác động, tổn thương bởi môi trường kinh doanh".
Bằng chứng là trong 12 tập đoàn kinh tế được báo cáo này nghiên cứu đều chưa cho thấy vai trò dẫn dắt và thực lực mạnh đủ làm trụ cột cho nền kinh tế. Trình độ phát triển của các tập đoàn tại VN chưa tương xứng; các tập đoàn hầu như không có sự tích tụ vốn; quản trị công ty cũng chưa phù hợp với mô hình tập đoàn...
TS Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc báo cáo "dóng" lên hồi chuông "phải tái cấu trúc DN" là vô cùng kịp thời. Bởi đây là một trong những nội dung cơ bản của việc tái cơ cấu cả nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của VN. Không chỉ nền kinh tế, mà các DN cũng phải phân bổ lại nguồn lực của mình để sử dụng nó hiệu quả hơn.
Ông Cung cho rằng, với DN nhà nước lúc này cần phải giám sát và kiểm soát chặt đầu tư hơn bao giờ hết. Bởi hiện nay do lợi nhuận thấp, vốn nhà nước không còn để cấp, DN nhà nước toàn phải đi vay tín dụng ngân hàng để kinh doanh. "Nếu chúng ta không giám sát chặt, tín dụng nhà nước sẽ đầu tư càng kém hiệu quả, không chỉ làm bất ổn vĩ mô nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới tất cả các DN" - ông Cung nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, phí bôi trơn, hoa hồng vẫn đang chi phối mạnh mẽ hoạt động của DN. VN cần phải đổi mới theo hướng chuyển sang cơ chế thị trường, có cạnh tranh thị trường và minh bạch; xóa bỏ cơ chế xin-cho, cấp-phát theo cơ chế "chạy".
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI thì nhìn nhận, VN phải có môi trường kinh doanh lành mạnh, cùng thắng với DN; không thể DN này thắng thì DN kia phải thất bại. Thực tế đang xảy ra là các DN nhà nước, tư nhân, FDI tại VN đang chèn lấn nhau trong các nguồn lực, không được bình đẳng. Kết quả là về mặt pháp lý, DN được quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng dư địa cho DN lại bị thu hẹp, đặc biệt là DN tư nhân do bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của DN.
(Theo Dân Việt)