(VEF.VN) - Trong thời gian tới, nếu giá vàng thế giới thật sự điều chỉnh về vùng 1.500 – 1550 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng sẽ giảm về vùng 36-38 triệu đồng/lượng. Quá trình này có thể không diễn ra ngay tức thời, mà sẽ mất một khoảng thời gian khá dài, có thể từ 6-8 tháng kể từ cuối tháng 8/2011.
Lịch sử giá vàng đang lặp lại?Xu hướng giá vàng đang trở thành một lời đánh đố với các nhà đầu tư trên thế giới và ở Việt Nam. Đỉnh gần nhất của giá vàng thế giới là mốc 1.900 USD/ounce. Từ đó kim loại quý hiếm này đã có hai phiên lao dốc rất mạnh - mất đến gần 8% - có thể được xếp vào những phiên sụt giảm dữ dội nhất của giá vàng trong lịch sử.
Nhưng liệu cú lao dốc vừa qua của giá vàng thế giới chỉ là sự điều chỉnh giảm nhất thời để vọt lên tiếp, hay đã chính thức xác nhận xu hướng trở về với "giá trị thực"? Vào những ngày này, đó vẫn là ẩn số đã gây tranh luận không dứt từ giới chuyên gia phân tích trên thế giới.
Wells Fargo, một ngân hàng lớn ở Mỹ, đã tỏ ra bất nhất trong dự báo của mình chỉ trong vòng một tuần lễ đầy biến động của giá vàng. Vào ngày 23/8/2011, các chuyên gia của ngân hàng khẳng định không có bong bóng vàng và giá vàng thế giới còn có thể tiếp tục tăng. Các chuyên gia này dựa ba yếu đố để đưa ra nhận định trên là diễn biến lịch sử của giá vàng vào năm 1980, mối tương quan giữa giá vàng và chỉ số chứng khoán Nasdaq của Mỹ và hệ số giá vàng/giá dầu.
Nhưng trùng với thời điểm Wells Fargo nêu ra nhận định trên, giá vàng thế giới đã có một cú rớt thảm hại, hay nói theo cảm xúc của giới đầu cơ vàng là "kinh hoàng". Cùng với nhiều lời cảnh báo về hiện tượng bong bóng vàng đã phình quá lớn từ phía các tổ chức phân tích và quỹ quốc tế nắm vàng, nhà đầu tư đua nhau bán tháo và có xu hướng chuyển tiền từ vàng sang cổ phiếu.
Chính vì thế, sau một đợt lao dốc mất đến 16%, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã lấy lại được phần nào trạng thái cân bằng, ít ra cũng trong ngắn hạn.
Phải chăng các chuyên gia kỳ cựu của ngân hàng Wells Fargo đã sai lầm? Có thể như vậy, nhưng cũng có thể khác đi, nếu quả thực giá vàng thế giới chỉ điều chỉnh trong ngắn hạn và sau đó sẽ tiếp tục đi lên.
Tuy vậy, một chi tiết đáng lưu ý là đường biểu diễn giảm của giá vàng thế giới trong hai phiên lao dốc là xấu trên phương diện phân tích kỹ thuật. Đường biểu diễn này cũng gợi cho chúng ta nhớ lại hai thời điểm gần gũi nhất trong lịch sử: năm 2006 và năm 2008.
Vào tháng 5/2006, sau cú tăng vọt đến trên 30%, giá vàng thế giới đã thực hiện một cú bổ nhào đến 23% chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là giai đoạn mà thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường chứng khoán quốc tế, trong đó có cả Việt Nam, đang nằm trong xu thế tăng đều để sau đó tăng mạnh.
Tháng 3/2008 đã đánh dấu một đỉnh mới của giá vàng thế giới. Trước đó vào năm 2007, chứng khoán Mỹ đã tạo đỉnh rồi bắt đầu chu kỳ sụt giảm. Cũng trong thời gian đó, giá vàng thế giới đã tăng liên tục 50%, nhưng từ tháng 3/2008 đã giảm liên tục trong 8 tháng sau với tỷ lệ khoảng 23%.
Ảnh: Phạm Hải |
Nếu kinh tế Mỹ đi ngang
Còn vào tháng 3/2011, bối cảnh nền kinh tế thế giới đã khác hoàn toàn với năm 2006, khi khủng hoảng đã bắt đầu mở rộng diện ảnh hưởng cùng mức độ trầm trọng không thể chối cãi.
Những điểm tương đồng giữa hai thời điểm năm 2006 và 2008 có lẽ cũng phần nào gợi ý cho chúng ta về một sự liên hệ với thời điểm hiện tại. Nhưng trong hiện tại, kịch bản nền kinh tế thế giới lại khác với quá khứ, không phải đang trong xu thế tăng trưởng đều mà cũng chưa hẳn nằm trong trạng thái suy thoái.
Tất cả dường như đang trong một giai đoạn mông lung khó phán xét. Những nhà kinh tế học có tiếng về dự đoán khủng hoảng như Roubini hay Mark Mobius cũng chỉ nêu ra xác suất khoảng 50% cho suy thoái sắp tới của nền kinh tế thế giới.
Trong xu hướng hoàn toàn không rõ ràng trên, quả rất khó đoán định được đường vận động của giá vàng thế giới. Chỉ biết rằng so với đầu năm 2011, đến nay giá vàng thế giới đã tăng đến 30%. Còn nếu so với thời điểm đáy khủng hoảng đầu năm 2009, giá vàng thế giới khi đạt đỉnh ngắn hạn 1.900 USD/ounce vừa qua đã tăng đến 90%. Tỷ lệ này cao hơn cả tốc độ tăng của chỉ số Nasdaq.
Một hệ quy chiếu quan trọng nhất mà giới phân tích quốc tế đang dựa vào để dự báo xu hướng giá vàng thế giới là động thái từ FED. Dĩ nhiên, gói nới lỏng định lượng QE3 - một chương trình kích thích kinh tế mới - cùng với biện pháp giữ nguyên lãi suất cơ bản 0,25% trong hai năm tới mà FED nhiều khả năng sẽ phải tung ra để tránh lặp lại kinh nghiệm xương máu của cuộc suy thoái 1936-1937, sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ không đến nỗi rơi vào khốn đốn.
Bằng chứng cho trạng thái vẫn duy trì khá ổn định của nền kinh tế Mỹ là sau "trò chơi" giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mà "con tin" là vấn đề trần nợ công Mỹ. Đến nay, làn sóng âu lo về câu chuyện này đã lắng dịu hẳn. Có vẻ như nhà đầu tư đã nhận ra chính sự mơ hồ của bản thân đã không đáng giá là một sự mơ hồ.
Trong khi đó, các chỉ số kinh tế chính của Mỹ vẫn bình thường. Một sự bình thường trong bầu không khí thiếu lạc quan nhưng hoàn toàn chưa có gì để gọi là khủng hoảng mới hay khủng hoảng kép. Thế thì tại sao giới đầu tư lại cứ phải hoảng loạn, một sự hoảng loạn đầy màu sắc bốc đồng và mang hương vị bầy đàn?
Với sự can thiệp thường trực của FED, kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm 2011 và có thể cả năm 2012 sẽ đi ngang trong thế giằng co. Hình ảnh đi ngang này giống với một trạng thái đình trệ kinh tế ở mức độ nhẹ hơn là suy thoái kép. Có chăng chỉ là chỉ số chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh mạnh, nhưng không đến nỗi mất mát gần hết như một số quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh ấy, giá vàng thế giới cũng không có nguyên cớ xác đáng để cứ lao lên mãi.
Giá vàng VN có về "giá trị thực"?
Những người đổ xô mua vàng ở Việt Nam khi giá vàng trong nước giảm từ 49 triệu xuống 45 triệu-46 triệu đồng/lượng vẫn có thể sẽ bị hố nặng. Hình ảnh lao dốc khá xấu của giá vàng thế giới cũng có thể mở ra một chu kỳ sụt giảm trong những tháng tới, dẫn tới giá vàng Việt Nam bắt buộc phải giảm theo.
Chỉ cần lịch sử của năm 2006 hoặc năm 2008 lặp lại, giá vàng thế giới sẽ mất đi từ 20-25% giá trị đỉnh của nó (có chuyên gia quốc tế còn dự đoán tỷ lệ mất mát này lên đến 30%). Khi đó, giá vàng trong nước sẽ ra sao?
"Cho nhập khẩu vàng không giới hạn" là chủ trương của Ngân hàng nhà nước. Bình ổn thị trường vàng trong nước là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm ổn định và vực dậy nền kinh tế. Cùng với những động thái đó, sẽ khá khó khăn cho giá vàng trong nước tái lập đỉnh cũ, chưa nói đến việc chinh phục mốc 50 triệu đồng/lượng.
Do đó trong thời gian tới, nếu giá vàng thế giới thật sự điều chỉnh về vùng 1.500 - 1.550 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng bắt buộc phải giảm về vùng 36-38 triệu đồng/lượng. Quá trình này có thể không diễn ra ngay tức thời, mà sẽ mất một khoảng thời gian khá dài, có thể từ 6-8 tháng kể từ cuối tháng 8/2011.
Không hẳn là bong bóng vàng sẽ nổ, mà chỉ đơn giản là giá vàng cần phải trở về với khái niệm "giá trị thực" nào đó cho phù hợp với mối quan hệ với các lĩnh vực khác như hàng hóa, công nghiệp, nhà đất.