Với thành công của Apple, ít vị giám đốc nào trong lịch sử có thể sánh được với Steve Jobs. Vì vậy, quyết định từ chức mới đây của ông đã làm dấy lên trong giới kinh doanh một câu hỏi: Liệu Apple có còn giữ vững vị trí số một về sự khát khao sáng tạo và đạt được những thành công như thời của CEO Steve Jobs?

Trong bài phát biểu với sinh viên trường Đại học Stanford nhân lễ tốt nghiệp năm 2005, vị CEO nổi tiếng của Apple, Steve Jobs, đã khuyên các tân cử nhân vượt lên trên những lời giáo điều sáo rỗng để can đảm đi theo tiếng gọi của con tim và trực giác. Chắc hẳn ai đã từng nghe bài phát biểu không thể quên lời kết mà Jobs muốn nhắn nhủ: “Stay hungry. Stay foolish” - Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ (sống đúng với niềm đam mê và mạo hiểm, dám mơ ước, chìa khóa để thành công). Và Steve Jobs cũng thực hiện đúng những gì mình phát biểu khi đã lèo lái công ty từ chỗ đang bên bờ vực phá sản trở thành “người khổng lồ” trên thị trường Mỹ cũng như trên thế giới. Chỉ mới đây, Apple cũng đã vượt qua tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, vươn lên trở thành công ty giàu mạnh nhất hành tinh.

Với thành công của Apple, ít vị giám đốc nào trong lịch sử có thể sánh được với Steve Jobs. Vì vậy, quyết định từ chức mới đây của ông đã làm dấy lên trong giới kinh doanh một câu hỏi: Liệu Apple có còn giữ vững vị trí số một về sự khát khao sáng tạo và đạt được những thành công như thời của CEO Steve Jobs?

Liệu Apple có còn giữ vững vị trí số một về sự khát khao sáng tạo và đạt được những thành công như thời của CEO Steve Jobs?

Các tập đoàn lớn khác trong làng công nghệ cũng đã từng phải cay đắng nhìn danh tiếng mai một đi cùng với sự ra đi của các vị lãnh đạo tuyệt vời của họ - một ví dụ điển hình là Microsoft và việc Bill Gate từ chức tháng 1 năm 2000. Liệu Apple có đi theo vết xe đổ của Microsoft hay không?

Giới phân tích đưa ra nhiều ý kiến trái ngược về việc này. Tuy nhiên, dường như người ta không tin Apple sẽ đánh mất vị trí số một trong làng công nghệ.

Apple hiện nay có rất nhiều thời gian để lập kế hoạch kinh doanh mới. Jobs cũng đã dần nhường lại vị trí điều hành ở Apple một vài lần trước đây, đặc biệt là sau ca phẫu thuật năm 2004. Vào những lần đó, Tim Cook cũng là người tạm thời thay thế cương vị của Jobs.

Những dịp như vậy đủ để ban lãnh đạo Apple cũng như mọi người có niềm tin vào Cook, đặc biệt nhờ doanh số vẫn tiếp tục tăng đều của tập đoàn. Cook được biết tới như một chuyên gia về sản xuất và hậu cần - chính ông là người tiến hành kế hoạch đặt nhà máy và sử dụng nhân công từ các nước châu Á để giảm chi phí. Trong thông báo bổ nhiệm Cook, ban lãnh đạo Apple khẳng định: Cook đã chứng tỏ bản lĩnh của “một tài năng đặc biệt và óc phán đoán sáng suốt qua cách xử lý công việc của ông”.

Tài năng là tài sản vô giá giúp Apple nổi bật - và nhiệm vụ của tân lãnh đạo là phải kết nối các cá nhân tài năng làm việc hiệu quả - và nếu Cook có thể duy trì đội hình tài năng của Apple, tương lai của tập đoàn sẽ vô cùng rộng mở.

Apple sở hữu nguồn nhân lực giàu tài năng và thêm nữa là đặc biệt trung thành – đó là lợi thế rất lớn mà ít tập đoàn nào bì kịp. Trang tin trực tuyến Glassdoor – nơi lưu giữ phản hồi về Apple của gần 1,000 nhân viên - đã cho thấy hầu hết mọi người đều tự hào về nơi họ làm việc và đặc biệt về tầm ảnh hưởng của Steve Jobs. Thậm chí có nhân viên còn ví vị cựu CEO này như “Thomas Edison của thế kỉ XXI”. Paul Saffo, chuyên gia phân tích của Discern Analytics, chỉ ra rằng lòng trung thành bền vững của nhân viên đồng nghĩa với việc dù Jobs đã từ chức, các nhân viên vẫn sẽ tiếp tục tự đặt câu hỏi “Steve sẽ làm gì trong tình huống này?” mỗi khi đưa ra quyết định.

Một lý do khác đáng để lạc quan về tương lai của Apple là Steve Jobs sẽ không biến mất hoàn toàn trong hoạt động công ty. Thực tế, cựu CEO vẫn sẽ thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo Apple – vị trí giúp ông vẫn có thể đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai của tập đoàn – miễn là sức khỏe của ông cho phép. Và Apple vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo đúng kế hoạch đã vạch ra, ít ra là trong vài năm tới: ra mắt phiên bản mới nhất của iPhone và thậm chí có thể cả phiên bản mới của iPad trong năm tới.

Nhưng thương hiệu Apple không chỉ nổi tiếng nhờ các sản phẩm họ bán, mà còn cả các dịch vụ đi kèm. Khách hàng của Apple rất hài lòng với các phần mềm và dịch vụ của họ, như iTunes và mới đây là dịch vụ lưu trữ iCloud. Apple thời Steve Jobs đã tạo ra cả một “đế chế” hùng mạnh, nổi bật trong hầu hết các lĩnh vực. Google mới đây cũng đã phải chi 12.5 tỷ USD để sở hữu Motorola, với hi vọng đặt chân vào thị trường smartphone, tablet và các thiết bị điện tử khác. Và Amazon, vốn nổi bật với kinh doanh điện toán đám mây, cũng bắt đầu tính tới việc ra mắt máy tính bảng của riêng mình để cạnh tranh với iPad.

Tin tốt với các nhà đầu tư của Apple là nhờ tài năng của Steve Jobs, Apple mới có được vị trí hàng đầu như hiện nay. Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, đã mở ra kỷ nguyên mới của máy tính cá nhân. Sau quãng thời gian bị sa thải khỏi Apple và xây dựng nên hãng phim Pixar hùng mạnh, Steve chính là người đã vực Apple dậy kể từ khi trở về công ty vào năm 1996. Steve Jobs, bằng tài năng và tầm nhìn của mình, đã đưa ra những quyết định hết sức chính xác. Ông phớt lờ những lời khuyên đóng cửa công ty khi Apple gặp khó khăn, và cuối cùng đã đưa Apple làm ăn phát đạt. Tên tuổi ông gắn liền với iMac, iPod và những thay đổi hoàn toàn thị trường máy tính xách tay và âm nhạc thế giới. Cũng có những câu chuyện về việc các kỹ sư của Apple đã khuyên Steve phát triển máy tính bảng từ rất lâu, nhưng Steve quyết định chưa thực hiện điều đó mà vẫn tập trung phát triển thị trường smartphone. Quyết định ấy đã đưa tới sự ra đời của iPhone – “mỏ vàng” thực sự của Apple, và hiện nay vẫn đang giúp Apple thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Và thực sự, ở tập đoàn nổi tiếng về sáng tạo và tài năng như Apple, ý tưởng không phải là ít ỏi, nhưng chọn lựa ý tưởng nào và ưu tiên phát triển cái nào trong từng thời điểm mới là điều quan trọng. Steve Jobs có tài năng ấy – thực tế đã chứng minh điều đó.

Có thể nói Tim Cook đã giành được sự tin tưởng về tài lãnh đạo từ các nhà đầu tư. Nhưng tương lai, Apple có giữ vững và kéo dài thời hoàng kim của nó hay không, phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của ông. Và người ta sẽ vẫn còn tiếp tục so sánh ông với  Steve Jobs, đặc biệt là khả năng phán đoán và đưa ra quyết định đường đi nước bước của Apple.

Hoàng Nguyễn (Theo CNBC)