Trước những lo ngại việc doanh nghiệp nội đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) hiệu quả thấp, trong khi có thể gây mất cân đối nguồn ngoại tệ trong nước, Bộ KH&ĐT vừa đề xuất hàng loạt biện pháp quản dòng vốn ĐTRNN.

Giám sát chặt chuyển ngoại tệ ra nước ngoài

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, nhằm hạn chế dùng vốn trong nước đầu tư ra nước ngoài, việc xem xét cấp giấy chứng nhận ĐTRNN đã được thắt chặt theo hướng không cấp phép cho ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ để thực hiện ĐTRNN. “Doanh nghiệp trong nước phải thu xếp vốn thương mại từ ngân hàng nước ngoài thay vì chuyển toàn bộ vốn từ Việt Nam để ĐTRNN như trước đây”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị tăng cường cơ chế theo dõi, giám sát các giao dịch ngoại hối liên quan đến việc ĐTRNN. Bảo đảm quản lý dòng vốn ĐTRNN chặt chẽ, hiệu quả.

Lễ Công bố khai thác dòng dầu đầu tiên Mỏ SK305 - ngoài khơi Malaysia của TCT Thăm dò Khai thác Dầu khí ngày 2-8-2010. Ảnh: Theo Tiền phong
Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị NHNN nghiên cứu có giới hạn trần về tổng vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài phù hợp với việc duy trì cán cân thanh toán quốc tế theo từng thời kỳ. Trên cơ sở đó, NHNN cho phép chuyển vốn ĐTRNN.

Trước đó, Bộ KH-ĐT cũng đã có văn bản đề nghị NHNN rà soát tình hình cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại cho các dự án ĐTRNN. Đồng thời, để chấn chỉnh việc thực hiện chế độ báo cáo về ĐTRNN, tới đây, tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về ĐTRNN cho Bộ KH-ĐT.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, trong năm 2011, Bộ KH-ĐT đã tổ chức ba đoàn công tác liên bộ để rà soát tình hình chấp hành pháp luật về ĐTRNN tại một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại TP HCM và Nghệ An. “Rà soát về tình hình ĐTRNN nhằm mục đích cân đối lại kế hoạch đầu tư, chuyển vốn ra nước ngoài cho phù hợp”- Thứ trưởng Phương nói.

Bộ KH&ĐT cũng chỉ đạo, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có ĐTRNN cần tập trung ưu tiên cho các dự án đang triển khai thực hiện, sắp hoàn thành và đi vào hoạt động nhằm bảo tồn vốn ĐTRNN, đem lại hiệu quả đầu tư.

Đối với các dự án ĐTRNN mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư cần xác định rõ nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra cũng như lộ trình thực hiện dự án đầu tư nhằm đáp ứng với yêu cầu về tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời cần bảo đảm phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thận trọng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Về phía NHNN, cơ quan này cũng vừa ban hành Thông tư 45 quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.
Theo đó, tổ chức tín dụng khi thực hiện cho vay ra nước ngoài phải đáp ứng 8 điều kiện, trong đó có điều kiện phải thẩm định dự án cho vay, đánh giá rủi ro quốc gia và khả năng thu hồi vốn gốc, lãi của khoản cho vay ra nước ngoài đầy đủ và đúng hạn. Chỉ thực hiện cho vay ra nước ngoài cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với phạm vi hoạt động của bên vay đầu tư ra nước ngoài...

10,8 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, đến thời điểm 30-12-2011, có 627 dự án ĐTRNN với tổng vốn ĐTRNN của nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Lào (3,4 tỷ USD), Campuchia (2,1 tỷ USD), Venezuela (1,8 tỷ USD), Nga (776 triệu USD)...

Vốn thực hiện ước đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó khoảng 1,4 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí, Lào đạt khoảng 480 triệu USD, Campuchia đạt khoảng hơn 200 triệu USD...

Riêng năm 2011, đã cấp mới cho 75 dự án ĐTRNN tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ và điều chỉnh 33 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt 2,12 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt khoảng 950 triệu USD. Các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, viễn thông.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT hồi đầu năm 2011, tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp, giai đoạn 1989- 2010 chỉ đạt 2,02%. Đáng lưu ý, có những dự án ĐTRNN vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, khi chỉ có 300/500 dự án được yêu cầu báo cáo lợi nhuận lũy kế, với mức lợi nhuận chuyển về nước đạt 39 triệu USD

(Theo Tiền phong)