Theo Bộ Công Thương, ước tính cho cả năm 2011, tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 14 tỷ USD và vốn giải ngân đạt gần 11 tỷ USD, tổng vốn đăng ký 2011 giảm 24% so với năm 2010 (khoảng 24%).

Bộ Công thương cho biết, tình hình thực hiện đầu tư các dự án năm 2011 tại các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ năm 2011 còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn.

Do lãi suất cho vay và giá vật tư, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, nhân công có nhiều biến động tăng nên khối lượng và tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Ước tổng số vốn đầu tư thực hiện năm 2011 là 197.252 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm, trong đó: các Tập đoàn, Tổng công ty 91 thực hiện 190.717 tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch; các Tổng công ty 90 và Doanh nghiệp độc lập thực hiện 6.142 tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch. Khối hành chính sự nghiệp thực hiện 384 tỷ đồng.


Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ước tính cho cả năm 2011, tổng vốn đăng ký là 14 tỷ USD và vốn giải ngân đạt gần 11 tỷ USD. Như vậy, vốn đăng ký năm nay giảm tương đối nhiều so với với năm 2010 (khoảng 24%), vốn giải ngân có sụt giảm nhưng không đáng kể.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã vươn lên vị trí số một về thu hút đầu tư với gần 400 dự án có tổng số vốn ước tính 6,5 tỷ USD, chiếm khoảng 47% tổng vốn đầu tư năm 2011 (năm 2010 lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 2 sau lĩnh vực bất động sản với tổng vốn đăng ký là 5,1 tỷ USD).

Lĩnh vực sản xuất phân phối điện vẫn duy trì vị trí thứ 2 trong năm 2011 về tổng vốn đầu tư đăng ký 2,55 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Như vậy, so với năm 2010 đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện chỉ tăng nhẹ về giá trị tuyệt đối.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 119 dự án đầu tư mới, có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 9,2%.

Trong năm 2011, tình hình đầu tư nước ngoài vào hoạt động mua bán hàng hóa tương đối ổn định. Đa số các dự án là bổ sung mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa để bổ trợ cho hoạt động sản xuất.

Đối tác đầu tư trong lĩnh vực mua bán hàng hóa rất đa dạng, trong đó phổ biến là cá quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và một số quốc gia khác như Ý, Pháp, Đức… Trong đó, Nhật Bản là đối tác đầu tư có số dự án được cấp phép nhiều nhất.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong năm 2011 Bộ Công thương đã thẩm định 24 dự án đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước, gồm 14 dự án về thương mại, dịch vụ và 10 dự án về sản xuất công nghiệp.

Tổng vốn đầu tư của các dự án trung bình từ 500 nghìn USD trở lên. Các dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu là ở các thị trường Lào, Camphuchia, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Đức, Hàn Quốc…

(Theo VnMedia)