Sau “Vua đào phương Nam” - Trần Thuấn, tại Đồng Nai lại xuất hiện “phù thủy hoa đào” Phạm Viết Đệ, một nông dân ở ấp Núi Đỏ, xã Bàu Sen (Long Khánh) ép đào nở hoa thành công.

TIN BÀI KHÁC

Hàng trăm gốc đào chi chít nụ, điểm xuyết những cánh hoa đã nở hầu hết đã được đặt hàng và sẽ được đưa đi TP HCM trong những ngày tới.

Bán nhà để trồng đào


Trong khu vườn rộng hơn 1 ha, xen lẫn với trụ hồ tiêu là những gốc đào mà nhìn qua người ta biết tuổi thọ của cây không hề thấp. Chủ nhân của những gốc đào này, ông Phạm Viết Đệ cho biết, gốc già nhất cũng trên 40 năm, phổ biến 15 – 20 năm, trùng với khoảng thời gian ông Đệ gây trồng những gốc đào đầu tiên để thỏa trí đam mê của mình.

Vườn đào miền Nam độc đáo của ông Đệ nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

Theo lời của nghệ nhân này, ngay từ những năm 1970, khi ông theo học phổ thông tại Đà Lạt, lần đầu tiên thấy những bông hoa đào nở trong vườn trường, ông đã “mê như điếu đổ”. Ông xin làm việc tại vườn sau giờ học chỉ để thỏa mãn sở thích ngắm hoa. Rồi khi về Đồng Nai, một lần ngồi trong quán cà phê, tình cờ nghe thấy người ngồi bàn bên nói chuyện vừa mua được một cây đào Nhật Tân rất đẹp ở Hà Nội, chuẩn bị mang vào Biên Hòa, ông xin được đến nhà người khách là để chiêm ngưỡng cây đào.

Tận mắt thấy những bông hoa đào Nhật Tân, càng khơi gợi đam mê hoa đào trong ông. Ngày nào ông cũng chạy hơn chục cây số lên Biên Hòa chỉ để ngắm hoa ké. Tuy nhiên, những cánh đào từ nơi có khí hậu lạnh gặp thời tiết nắng nóng chỉ sau vài ngày đã tím tái rồi héo rụng khiến cả chủ lẫn khách tiếc ngẩn ngơ. Từ sự day dứt này, ông Đệ quyết tâm trồng và thuần dưỡng cây đào trên vùng đất nắng nóng này. Và để hiện thực hóa ý tưởng vốn bị người đời cho là điên rồ, viển vông, ông đã bán đi hai nền nhà.

Độc đáo đào miền Nam


Những cây đào đầu tiên được ông Đệ trồng là giống đào trồng lấy trái của Đà Lạt, sau đó ghép với đào Nhật Tân. Nhưng trồng mãi mà đào chẳng chịu trổ hoa, dù đã thử đủ mọi cách. Thậm chí, ông còn ngược lên Đà Lạt, tìm đến nghệ nhân Mười Lời để học kinh nghiệm “ép” đào nở hoa. Vận dụng mọi cách đều không được, ông lại lặn lội ra tận miền Bắc tìm người giỏi nghề trồng đào để học thêm… Song những cây đào vẫn chẳng chịu ra hoa. Nguyên nhân chính nằm ở sự khác biệt về khí hậu.

Vận dụng tất cả những kiến thức học hỏi được từ các chuyến đi, rồi tìm đọc phương pháp “thuần dưỡng” đào trên internet, báo đài, ông thay đổi chế độ chăm sóc cây một cách linh hoạt, trên cở sở tương thích thời tiết, thổ nhưỡng … Cuối cùng, những cánh đào đầu tiên trong vườn của ông cũng chịu xuất hiện với màu sắc đẹp không thua kém đào trồng ở Hà Nội hay Đà Lạt.

Ông Phạm Viết Đệ cho biết đã “ép” được đào nở hoa 3 – 4 năm trước, nhưng cho nở đúng dịp tết thì mới làm được 1 - 2 năm nay. Vui nhất là hoa đào của ông chưng được lâu hơn so với đào mang từ ngoài Bắc vào hay từ trên Đà Lạt xuống, vì được nảy nụ, nở hoa ngay trong khí hậu mùa khô Nam Bộ. Mới đưa ra thị trường từ năm ngoái đến năm nay, nhưng nhiều mối lái tại TP HCM đã tìm đến ông đặt hàng hoa đào Tết.

Gần 500 gốc đào mi ni (cao 50 – 60cm) đã được các chủ hàng đặt với mức giá 100.000 – 300.000 đồng/cây, chưa kể số đào cành sẽ cắt vào những ngày cận tết và những chậu đào cổ thụ.... Ông Đệ cho biết giờ đã nắm rõ bí quyết có thể khiến đào nở bất cứ mùa nào trong năm và với nhiều loại đào lai ghép khác nhau từ những loại đào nổi tiếng của miền Bắc hay Đà Lạt.

(Theo Đất Việt)