Sergei Belyakov, người Mỹ gốc Ukraine cho biết, ông đã 6 lần xông vào địa ngục Chernobyl rồi lại trở ra. Công dân Mỹ gốc Ukraine này là một trong những người tình nguyện xử lý hậu quả thảm họa hạt nhân ở thành phố Chernobyl, Ukraine hồi tháng 4/1986.
Sergei là một trong số những người dũng cảm xông vào khu vực nhiễm phóng xạ để dọn dẹp các mảnh vỡ hoặc sửa chữa đường ống rồi rút lui tới khu vực an toàn trước phóng xạ lên tới mức chết người.
Trong thời gian 40 ngày làm nhiệm vụ ở Chernobyl, ông Sergei đã 6 lần ra vào nhà máy hạt nhân gặp sự cố này. Sergei là một trong số hàng trăm người núp mình trong cầu thang có mái che dẫn tới mái của lò phản ứng số 3 và số 4. Ở bên ngoài, phóng xạ cao tới mức họ có thể bị giết chết chỉ trong vòng vài phút.
"Đó là cửa dẫn tới địa ngục", Sergei kể và nhắc lại sự kiện diễn ra cách đây 25 năm. "Ngay ở cửa vào bạn có thể nhìn thấy một hình vẽ rất chi tiết và chuyên nghiệp trên tường, mô tả rõ phần mái lò theo hình ảnh 3D. Có một người đứng ở cửa sẽ chỉ bạn phải tới chỗ nào, làm việc gì, phải đi vòng quanh những chỗ nào, cầu thang nào đã yếu và đừng tới đó vì bạn sẽ bị ngã xuống chỗ nguy hiểm. Bạn ghi sâu vào tâm trí những lời nhắc nhở và những yêu cầu về công việc phải làm. Rồi bạn cắm đầu chạy".
Công việc của Sergei là chặt những tấm nhựa đường nhiễm xạ trên mái và kéo nó xuống để chôn trong một thời gian rất ngắn. Thời gian lâu nhất mà ông ở trên mái là 2 phút và ngắn nhất là 30-40 giây.
"Thường sẽ có những người khác hét lên, nói bạn phải tới nơi an toàn hoặc bạn phải tự quyết định khi nào rút lui. Một khi công việc hoàn thành, bạn phải đi xuống khỏi mái. Có khoảng 700-900 người đi lại trên cầu thang ấy, tạo thành một dây chuyền làm việc liên tục.
Hiện giờ 55 tuổi, ông Sergei đang làm việc tại Singapore cho nhóm nghiên cứu của tập đoàn nghiên cứu phân tử Albany với tư cách là một nhà khoa học. Tuy nhiên, Sergei cho biết, những ngày tháng ở Chernobyl năm 1986 vẫn in sâu trong tâm trí của ông.
Lần đầu tiên ở trên mái là lần kinh khủng nhất. "Kính bảo hộ đầy mồ hôi và tôi có lẽ đã sụt 4,5kg chỉ trong vài giây vì đó là một trải nghiệm hoàn toàn chấn động".
Năm 1986, ông Sergei là giảng viên tại một trường đại học Ukraina. Ban đầu, ông cảm thấy có gì đó không ổn ở Chernobyl trong khi đang câu cá. Lúc đó, mức nước ở sông Dnipro bất ngờ tụt, một dấu hiệu cho thấy đập nước ở thượng nguồn đã bị đóng.
Phải mất vài tuần nhà chức trách Liên Xô mới nhận biết được sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Ông Sergei, cũng là binh sĩ dự bị, từng được huấn luyện phòng vệ trong chiến tranh hóa học, đã tình nguyện tham gia xử lý hậu quả hạt nhân bất chấp sự phản đối của vợ.
"Rõ ràng cô ấy không vui vẻ với điều đó nhưng tôi đã quyết định. Tôi không ngờ được những gì tôi sắp trải qua. Nếu biết trước, có lẽ tôi đã nghĩ lại". Sergei được triệu tập vào tháng 7/1986 và được đưa tới Chernobyl. Ông có 23 ca làm việc tại nhà máy, chỉ được bảo vệ bằng một tấm chăn dưới eo, quấn ở phía trước và sau. Các thiết bị bảo hộ khác gồm một chiếc găng tay dày, mặt nạ phòng hơi độc. Tất cả đều không chống được phóng xạ.
Những người tình nguyện và công nhân phải rút lui khi họ nhiễm 2 Roentgen - khoảng 240 millisieverts/ngày. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ nói, một liều 500 millisieverts sẽ gây buồn nôn và 1,000 millisieverts sẽ gây ra xuất huyết.
Sau khi hứng chịu 25 Roentgen phóng xạ, các công nhân, người tình nguyện sẽ được đưa về nhà. Nhiều người trong số này đã chết sớm. Sergei cho biết, ông biết ít nhất 5 người từng làm ở Chernobyl đã chết trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khác đã sống tới hơn 50 tuổi nên khó có thể nói phóng xạ Chernobyl là nguyên nhân gây chết người.
"Tôi có lẽ đã may mắn", Sergei nói. Ông bị ốm vài tháng song hiện giờ vẫn khỏe mạnh. "Tác động của phóng xạ lên một cơ thể sống là rất khác biệt. Có những người có thể chịu tác động từ phóng xạ rất tốt. Nhưng không may, có những người sẽ thiệt mạng nếu họ chỉ cần hứng một liều phóng xạ nhỏ, vốn được coi là bình thường với những người khác".
Sergei không nhận những lời khen dũng cảm. "Bạn làm từng bước, từng bước một. Tôi bước 100 bậc trên thang, rồi trèo hết thang, sau đó bước 70 bước sang phải, rồi bổ 3 - 4 nhát vào miếng nhựa đường, rồi tôi tóm lấy cái xẻng, thu nhặt từng mẩu và quăng nó đi. Từng việc một không hề đáng sợ.
Sergei không nhận được nhiều thù lao cho hành động dũng cảm của mình. "Chỉ đủ cho chúng tôi mua một tour du lịch dài 18 ngày sang Ấn Độ. Đó là chuyến đi nước ngoài của tôi. Thật tuyệt, tới giờ tôi vẫn còn thích thú".
Khi được hỏi liệu có bất kỳ lời khuyên nào dành cho những người đang xử lý thảm họa ở Fukushima Daiichi - Nhật không, ông Sergei nói “sự dũng cảm dám đương đầu với hiểm nguy không tới một cách tự nhiên”. “Sự can đảm chỉ đến từ tư duy logic của bản thân, từ một đầu óc tỉnh táo sáng suốt, từ khả năng phân tích tình hình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Chừng nào bạn vẫn có thể chế ngự được áp lực và sự sợ hãi, bạn có thể làm tất cả những gì mình muốn”.
Hoài Linh (Theo Reuters)