“Cử án tề mi” là câu chuyện về vợ chồng Lương Hồng và Mạnh Quang thời Đông Hán. Cậu học trò Lương Hồng sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng rất ham học nên nhiều gia đình quý tộc muốn gả con gái cho. Tuy vậy, Lương Hồng vẫn không hề động lòng với ai. Cùng huyện có nhà họ Mạnh có cô con gái nổi tiếng vừa xấu lại vừa đen, 30 tuổi vẫn chưa có ai lấy, nhà họ Mạnh tuyên bố “muốn gả con gái cho người có tài năng, đức độ như Lương Hồng”.
Lương Hồng nghe thấy vậy bèn đồng ý cưới con gái nhà họ Mạnh làm vợ. Mạnh cô nương trang điểm kỹ càng rồi bước lên kiệu hoa. Rước dâu về nhà 7 ngày mà Lương Hồng không dám nhìn vợ mình. Mạnh cô nương thấy vậy bèn hỏi nguyên nhân, Lương Hồng nói: “Ta muốn cưới một người vợ cùng sống ẩn cư trong núi sâu, nàng trang điểm như vậy không giống với những gì ta mong muốn”. Mạnh cô nương dung nhan không đẹp nhưng có tầm nhìn không kém gì Lương Hồng, sức khỏe tốt, thậm chí có còn có thể nhấc được cả cối xay thóc bằng đá. Nghe chồng nói thế, Mạnh cô nương bèn đáp: “Chẳng qua là thiếp muốn thử chí hướng của chàng một chút, trang phục ẩn cư thiếp đã chuẩn bị xong từ lâu”. Nói xong, nàng lập tức bỏ hết vòng vèo, kẹp tóc và cuốn mái tóc dài của mình lên, thay trang phục rồi bắt tay vào làm việc nhà. Lương Hồng thấy vậy rất vui: “Đây mới thực sự là vợ của ta!” và đặt tên cho nàng là Mạnh Quang, tự Đức Diệu. Sau đó, hai vợ chồng Lương Hồng-Mạnh Quang đã lên núi Bá Lăng cùng nhau sống một cuộc sống tự do, tự tại: trồng trọt, đọc sách, chơi đàn.
Thế nhưng những ngày tháng tươi đẹp lại chẳng kéo dài được bao lâu. Lương Hồng có việc phải tới Lạc Dương, nhìn cung điện tráng lệ, nguy nga tại kinh thành rồi nghĩ tới bách tính đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất mà thấy đau lòng. Lương Hồng bèn viết bài Ngũ Y Ca. Bài thơ “có tư tương chính trị không đúng đắn” của Lương Hồng đã khiến Hán Chương Đế không vui và ra lệnh bắt người. Lương Hồng chỉ còn cách thay đổi tên hộ, mang theo vợ chạy trốn tới Tế Lỗ rồi Ngô Quận (nay là Giang Tô, Tô Châu). Lương Hồng đi xay thóc, cày ruộng, Mạnh Quang ở nhà xe sợi, dệt vải.
Mặc dù phải đi làm nô bộc, ở nhà thuê nhưng vợ chồng Lương Hồng vẫn giữ được những lễ nghi trước đây. Mỗi lần tới bữa ăn, Mạnh Quang đều đặt thức ăn trên một cái mâm gỗ, bê lên ngang mi mắt, cúi đầu và ân cần đưa cho chồng. Một lần, chủ nhà Cao Bá Thông đã vô tình bắt gặp hành động kính trọng chồng của Mạnh Quang và biết được thân phận của Lương Hồng nên đã coi vợ chồng họ là khách quý, Lương Hồng từ đó trú ẩn tại nhà Cao Bá Thông và cho ra đời những cuốn sách nổi tiếng cho tới lúc lâm bệnh qua đời.
“Cử án tề mi” là lễ nghĩa hằng ngày của vợ chồng Lương Hồng, từ lúc còn sống ẩn cư trong núi, ngày ngày Mạnh Quang đều cung kính như vậy nhưng không ai biết. Tuy nhiên, hành động cao quý đó đối với thân phận thấp hèn lúc làm nô bộc lại khiến người ta phải chú ý và câu nói “cử án tề mi” cũng được lưu truyền cho tới tận bây giờ như để nói sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cặp vợ chồng.
Sầm Hoa (Theo tbsyyey.com)