Biên bản ghi nhớ những cuộc họp giữa chính phủ Anh và các hãng dầu của nước này từ 2002 cho thấy, dầu mỏ giữ yếu tố then chốt trong quyết định Anh tham gia cuộc chiến Iraq.
Năm tháng trước khi tham gia cuộc chiến chống Iraq, chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair đã thảo luận các kế hoạch với các công ty nước này về cơ hội khai thác dầu thời hậu Saddam.
Theo các tài liệu mật, hồi tháng 11/2002 Bộ trưởng thương mại quốc tế Anh lúc đó là Baroness Symons đã nói với các công ty năng lượng rằng họ sẽ có phần trong nguồn dầu khổng lồ của Iraq.
Các nghị sĩ Công đảng Anh, đại diện cho hãng BP ,cũng vận động hành lang chính quyền Bush vì sợ hãng này bị gạt ra khỏi các thỏa thuận béo bở do lo sợ Mỹ cũng đang thỏa thuận với các nước khác.
Những thông tin mới tiết lộ trên được ghi trong biên bản các cuộc họp giữa lãnh đạo các công ty dầu và chính phủ Anh vào cuối 2002, dường như bất đồng với tuyên bố chắc như đinh đóng cột của họ rằng nguồn dầu mỏ dồi dào của Iraq không phải là cái đích mà họ nhắm tới trong cuộc chiến chống Iraq hồi tháng 3/2003.
Sau một cuộc gặp vào tháng 10/2002, Edward Chaplin khi đó là giám đốc khu vực Trung Đông của Bộ Ngoại giao đã nói: "Chúng ta quyết tâm phải có một phần công bằng cho các công ty Anh trong thời hậu Saddam ở Iraq".
Với tư cách là Thủ tướng, ông Blair đã phủ nhận đề xuất rằng dầu mỏ là nhân tố thúc đẩy cho việc nước này tham chiến ở Iraq. Hãng Shell mô tả đề xuất trước cuộc chiến là không chính xác trong khi BP phủ nhận họ có một mối quan tâm chiến lược.
Tuy nhiên, trong biên bản ghi nhớ của một cuộc họp vào tháng 10/2002 với, BP, Shell và British Gas lại có đoạn: "Baroness Symons nhất trí rằng các công ty Anh sẽ khó được chấp thuận ở Iraq nếu chính Anh vẫn là một ủng hộ viên đầy nghi ngờ của chính phủ Mỹ trong suốt cuộc khủng hoảng".
Các tài liệu trên không được nộp cho những người thực hiện cuộc điều tra Chilcot về Iraq. Greg Muttitt, đồng giám đốc tổ chức vận động dầu mỏ Platform đã có được các văn bản trên theo đề xuất Tự do Thông tin.
Greg Muttitt nói: "Họ cung cấp bằng chứng về những thứ mà chúng tôi nghi ngờ: Dầu mỏ chính là tâm điểm suy nghĩ của chính phủ Blair về Iraq". BP và Shell từ chối bình luận thông tin này.
- Hoài Linh (Theo DailyMail)