Serge Verniau là người mang một sứ mệnh cao cả: thuyết phục thế giới đổi món cánh gà và bít tết để chuyển sang ăn dế, bọ đầu dài ở cây cọ và nhiều côn trùng khác giàu protein và vitamin.

Verniau, đại diện của Lào tại Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) chỉ nói vui 1/2 khi đề cập tới giấc mơ "nuôi sống các đô thị lớn, từ Tokyo tới Los Angeles, Paris bằng những động vật chân khớp nhỏ bé".

Ông Verniau dự định trình bày các bài học rút ra từ một dự án tiên phong trước toàn thế giới tại một hội thảo về những loại sâu bọ ăn được, có thể là vào 2012.

"Phần đông dân số thế giới sống tại khu vực đô thị. Cố gắng cung cấp đủ protein cho cả hành tinh này từ bò là không khả thi", Verniau cho biết. Không phải ngẫu nhiên, ước mơ này được khởi nguồn từ Lào, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Gần 1/4 trong số 6 triệu dân và gần 40% số trẻ em dưới 5 tuổi của Lào hiện suy dinh dưỡng, số liệu thống kê của chính phủ nước này cho thấy. Chế độ ăn dựa trên gạo không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết để phát triển, và côn trùng, vốn giàu protein và vitamin, có thể lấp đầy lỗ hổng này.

Côn trùng chiên hoặc nướng, món ăn chơi, đã từ lâu là một phần món ăn của người Lào, song hầu hết mọi người không biết cách nuôi chúng, Oudom Phonekhampheng, trưởng khoa nông nghiệp tại trường đại học quốc gia Lào cho hay. "Mọi người chỉ bắt sâu bọ trong thiên nhiên và ăn chúng, rồi nguồn lương thực này cũng hết và bị hủy diệt. Mọi người phải nghĩ tới tương lai".

Trong tòa nhà nhỏ ở ngoại ô thủ đô, phòng thí nghiệm của khoa nông nghiệp thu thập dữ liệu khoa học về lĩnh vực chăn nuôi mới này. Cùng với việc nuôi dế - đã được nuôi rộng rãi tại Thái Lan, Lào đang thử nghiệm nuôi ấu trùng của các loài bọ chuyên phá hoại ngũ cốc, bọ đầu dài trên cây cọ và kiến.

Các sinh viên đang cố gắng kiếm thực phẩm khác cho côn trùng nhằm giảm chi phí song vẫn duy trì chất lượng, Yupa Hanboonsong - nhà côn trùng học người Thái đang chịu trách nhiệm giám sát dự án này cho FAO, giải thích. Cho tới giờ, khoảng 20 trại dế đang hoạt động ở Lào vẫn dùng thức ăn cho gà để nuôi dế như hàng nghìn trại tương tự của Thái. Tuy nhiên, nuôi kiểu này tốn kém và thức ăn vẫn phải nhập khẩu. Rau và chất thải còn lại từ việc sản xuất bia cũng có thể dùng làm thức ăn cho côn trùng, ông Yupa nói.

Ngoài cuộc chiến chống suy dinh dưỡng, hoạt động kinh tế mới này có thể tạo thu nhập cho nông dân, ông Yupa cho hay. Phouthone Sinthiphanya, 61 tuổi, đã nắm được cơ hội vào năm 2007 và dựng 27 bể xi măng hình trụ, cao khoảng 50cm trong vườn nhà tại Vientiane để sản xuất 67kg dế cứ hai tháng một lần. Một kilogram côn trùng sống có giá 7,5 USD.

"Tôi làm việc cho một công ty thuốc lá và rồi về hưu. Lương hưu không đủ nên tôi bắt đầu nuôi côn trùng. Các khách hàng của tôi là cửa hiệu ăn uống, dân làng, chợ. Việc nuôi côn trùng nhỏ rất dễ".

Theo ông Yupa, "các trang trại nuôi côn trùng chỉ tác động nhỏ tới môi trường. Đó là nguồn protein xanh. Bạn có thể làm bột từ dế, vốn giàu protine".

    * Hoài Linh (Theo AsiaNews)