Bằng sự nỗ lực không ngừng, nữ công nhân dệt Ngô Quế Hiền đã trở thành Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng CS Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Ngô Quế Hiền trong xưởng sản xuất (Ảnh: Huanqiu)
Cho đến bây giờ nghĩ lại, Ngô Quế Hiền vẫn nghĩ rằng cuộc đời mình đã gặp đầy những may mắn nhưng cũng không ít bất hạnh. Bà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó tại huyện Củng Nghĩa, Hà Nam, Trung Quốc vào một ngày mưa phùn gió rét năm 1938. Năm 1951, cô bé 13 tuổi Ngô Quế Hiền đã một mình nhảy chuyến xe tới miền tây để mưu sinh.

Với dáng vẻ nhỏ nhắn và ít tuổi nên thời gian đầu Ngô Quế Hiền chỉ làm việc vặt trong một gia đình người họ hàng xa ở Thái Gia Pha (Thiểm Tây). Sau này, Ngô Quế Hiền làm nhiệm vụ trông em bé. Tuy nhiên, tính cách hiếu kỳ của Ngô Quế Hiền không giữ nổi chân cô được lâu, Ngô Quế Hiền quyết định tới nhà máy bông sợi Tây Bắc ở Hàm Dương để xin làm công nhân.

Khi đó, theo quy định tuyển công nhân của nhà máy, nữ phải từ 16 tuổi trở lên mới đủ điều kiện dự tuyển vì thế Ngô Quế Hiền đã khai gian thêm 3 tuổi. Chắc hẳn những người tuyển dụng đều biết Ngô Quế Hiền khai gian nhưng trước sự kiên quyết của Ngô Quế Hiền họ đã phải phá lệ để tuyển cô công nhân thiếu niên này. Từ đó, Ngô Quế Hiền trở thành lớp công nhân đầu tiên của nhà máy.

Trưởng thành hơn một chút, Ngô Quế Hiền ngoài nhiệt huyết lao động tràn trề còn có niềm đam mê với chính trị. Năm 1955 cô vào Đoàn, năm 1958 vào Đảng. Ngày vào Đảng, lãnh đạo đã tìm cô và nói rằng vì cô có biểu hiện tốt nên quyết định điều cô tới tổ sản xuất mà Mộng Đào đang làm tổ trưởng công đoàn tại đó làm tổ trưởng tổ Đảng. Triệu Mộng Đào hơn Ngô Quế Hiền 3 tuổi, khi đó cô đã là điển hình lao động toàn quốc, một trong 8 đại biểu lớn của Đảng, một ngôi sao sáng trong nhà máy. Vì tình cảm với Triệu Mộng Đào rất tốt nên Ngô Quế Hiền đã nhờ cô chỉ bảo thêm về kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên chưa được bao lâu thì Triệu Mộng Đào không may bị ung thư, trong thời gian cô lâm bệnh nặng, Ủy ban tỉnh Thiểm Tây đã chính thức lấy tên cô đặt cho tổ sản xuất dệt may là tổ Triệu Mộng Đào. Trong buổi lễ đặt tên do bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây chủ trì vào ngày 27 tháng 4 năm 1963, Ngô Quế Hiền đã thay mặt cả tổ sản xuất lên đọc lời tuyên thệ.

Ngô Quế Hiền (giữa) và các chị em công nhân trong nhà máy (Ảnh:Huanqiu)
Ngày 23 tháng 6, Triệu Mộng Đào qua đời. Nghe tin cô mất, chị em trong tổ sản xuất ai nấy đều khóc như mưa. Ngô Quế Hiền vừa đưa tay gạt nước mắt vừa nghĩ trong đầu rằng Triệu Mộng Đào đi xa đồng nghĩa với việc trọng trách tổ sản xuất đặt lên vai cô càng lớn hơn. Từ đó, Ngô Quế Hiền đã nghiêm khắc với bản thân mình hơn, lúc nào cô cũng xung phong đi đầu trong tất cả mọi việc. Nhưng Ngô Quế Hiền cũng biết rằng sức mình có hạn, cần phải đoàn kết tất cả mọi người lại để san sẻ bớt gánh nặng này với mình. Nhờ có sự giúp sự của chị em khác, năm nào tổ sản xuất của Ngô Quế Hiền cũng hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất và trở thành đội sản xuất tiêu biểu của nhà máy về sản xuất cũng như kinh nghiệm quản lý, được ngành dệt may cả nước biết tới.

Từ năm 1958 trở đi, năm nào Ngô Quế Hiền cũng được bầu là lao động tiên tiến, nhiều lần được bầu làm học viên "3 tốt", học viên xuất sắc. Năm 1964, năm 1966 cô liên tiếp được cử đi Bắc Kinh tham dự lễ quốc khánh, năm 1965, Ngô Quế Hiền được tham dự hội nghị đại biểu lao động tiên tiến và tập thể tiên tiến Tây Bắc. Ngô Quê Hiền chịu khổ, chịu khó, bản tính lương thiện, hòa thuận nên ai cũng quý mến cô. Không lâu sau, cô được bầu làm phó giám đốc nhà máy bông sợi quốc gia Tây Bắc.

Năm 1966, cách mạng văn hóa bùng nổ, Ngô Quế Hiền không thể hiểu nổi tại sao trong một đêm, một số cán bộ lão thành đã bị biến thành "phần tử tam phản". Vì vậy, trong thời gian học tập tại Bắc Kinh, cô thường xuyên ghi chép cẩn thận những lời phát biểu của chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Châu Ân Lai. Sau khi trở về đơn vị, Ngô Quế Hiền đã nỗ lực làm việc theo chính sách của Trung ương Đảng, dập tắt những hành động kích động của "phái tạo phản". Năm 1968, cách mạng văn hóa kết thúc, khắp nơi xây dựng ủy ban cách mạng, Ngô Quế Hiền được cử làm cán bộ thanh niên và làm việc tại Ủy ban cách mạng tỉnh Thiển Tây, ngoài ra, cô còn được bầu là ủy viên Trung ương tại đại hội Đảng lần thứ IX, X và XI.

(còn nữa)

Sầm Hoa (Theo people.com.cn)