Mang tiếng xấu là điều không mong muốn nhưng nó lại khiến bạn dễ được nhận thấy hơn, theo đúng nghĩa đen.

Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy, khi mọi thứ đồng đều nhau, mọi người có xu hướng chú ý tới những gương mặt dính tới những tin đồn tiêu cực hơn là những người liên quan tới các thông tin tích cực hoặc trung tính.

Cuộc nghiên cứu góp phần vào một loạt công trình tương tự khác cho thấy, nhận thức của chúng ta được định hình bằng quá trình vô thức, vốn quyết định thứ gì chúng ta "chọn" nhìn hoặc bỏ qua, thậm chí trước cả khi chúng ta nhận biết được nó. Thông tin này cũng góp phần vào ý niệm rằng não bộ thường mở với những điều đặc biệt nhạy cảm như "những chàng trai xấu" hoặc kẻ lừa dối - những đồng loại xói mòn đời sống xã hội bằng sự lừa gạt, ăn trộm cắp hoặc những hành vi phi hợp tác.


Dưới sự chủ trì của giáo sư tâm lý trường đại học Northeastern (Mỹ) là Lisa Feldman Barrett, các nhà nghiên cứu đã tiến hành hai thử nghiệm. Trong thử nghiệm đầu tiên, 61 người được đề nghị xem ảnh các khuôn mặt. Một số khuôn mặt được gắn kèm với những tin đồn tiêu cực, ví dụ như người trong ảnh từng ném một cái ghế vào mặt bạn học. Một số ảnh khác được kèm các thông tin trung tính (đi qua một người đàn ông trên phố) hoặc tích cực (giúp một bà lão).

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu dùng một phương pháp khai thác cái gọi là "sự ganh đua hai mắt" để nghiên cứu xem những chuyện ngồi lê đôi mách ảnh hưởng tới thị giác như thế nào. Quá trình này bao gồm mỗi mắt được xem một hình ảnh khác nhau và để hai mắt ganh đua chú ý, chỉ có một trong hai hình ảnh được nhìn một cách có ý thức trong một khoảng thời gian

Những người tham gia nghiên cứu được xem hai hình ảnh, một gương mặt cho một mắt và một ngôi nhà cho mắt con lại. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi so sánh với những khuôn mặt trước đó có gắn với thông tin tích cực và trung tính, những gương mặt có kèm thông tin tiêu cực sẽ được nhớ lâu hơn.

Vì vậy, tại sao chúng ta lại đặc biệt chú ý tới những người mang tiếng xấu? Nhìn chung, bộ não ưu tiên cho các thông tin tiêu cực hơn là tích cực, bạn có nhiều khả năng sống sót hơn nếu phản ứng nhầm với một cây gậy vì nghĩ đó là một con rắn hơn là nhầm theo chiều ngược lại. Cũng vì, về mặt lịch sử, con người là "loài dã thú" lớn nhất trong mọi loài do đó, dấu hiệu bội phản luôn thu hút được sự chú ý của chúng ta. Thực vậy, các nghiên cứu trước đây cho thấy, bản chất tốt đẹp của con người - tử tế, vị tha và trắc ẩn, đã có thể tồn tại qua thời kỳ tiến triển là vì khả năng phát hiện và trừng phạt những kẻ có hành vi không hợp tác.

Các tác giả kết luận: "Dễ tưởng tượng rằng sự chọn lựa ưu tiên với những người xấu có thể bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ lừa dối bằng cách cho chúng ta nhìn những đối tượng này lâu hơn, thu thập nhiều thông tin hơn về hành vi của họ".

Và như vậy, trong khi những chuyện tầm phào gây khó chịu song cũng là cần thiết.

  • Hoài Linh (Theo Time, Science)