Bạo lực ở Syria, đánh bom kép ở Pakistan, hàng trăm người nhiễm độc chì ở Trung Quốc... là những nét chính khắc họa bức tranh thế giới 24 giờ qua.


Syria nóng ran


Lính Syria tới Istabraq, gần Jisr al-Shughour. (Ảnh: AP) 


Các xe tăng và trực thăng của quân đội Syria đã tấn công thị trấn Jisr al-Shughour ở miền bắc hôm 12/6 trong một nỗ lực đè bẹp làn sóng nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad vốn đã khiến hàng nghìn người phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.

Theo người dân địa phương, cuộc tấn công này sử dụng các chiến thuật được áp dụng trước đó ở các thành phố và thị trấn khác nhằm dập tan các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố đòi tự do chính trị và yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực. 

Việc chính quyền Syria sử dụng vũ lực để chống lại người biểu tình đã gây phản ứng kịch liệt từ phía Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và chính quyền một số nước, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thông tin cho biết, ông Ban Ki Moon mô tả hành động của chính quyền Syria là "không thể chấp nhận được".

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một người bạn của ông al-Assad, còn nặng lời hơn khi mô tả chính quyền Syria "hành xử không giống con người". Ông Erdogan cho rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần can thiệp vào Syria.

Đánh bom kép ở Pakistan


Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu. (Ảnh: Reuters)


Cảnh sát Pakistan cho biết ít nhất 34 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương trong hai vụ nổ cách nhau vài phút ở thành phố Peshawar, tây bắc nước này. 

Các vụ nổ xảy ra ngay sau nửa đêm tại khu vực có nhiều văn phòng của các chính đảng trong bối cảnh Giám đốc CIA Leon Panetta đang có mặt tại thủ đô Islamabad, cách Peshawar khoảng 150 km.

Hàng trăm người nhiễm chì ở Trung Quốc

Ô nhiễm chì từ các xưởng sản xuất ở đông Trung Quốc đã nhiễm độc nghiêm trọng cho 103 trẻ em và ảnh hưởng tới hàng trăm cư dân khác - hãng tin Tân Hoa của nước này đưa tin.

Ô nhiễm môi trường từ các xưởng gia công giấy thiếc ở Yangxunqiao thuộc tỉnh Chiết Giang đã khiến cho số trẻ nói trên, lớn nhất là 14 tuổi, có hàm lượng chì lên tới 250 microgram hoặc cao hơn trong mỗi một lít máu trong cơ thể.

26 người trưởng thành khác cũng được phát hiện "nhiễm độc chì nghiêm trọng, hoặc có hơn 600 microgram chì/lít máu", Tân Hoa xã dẫn lời các quan chức y tế địa phương cho hay. 

"Các công nhân và thành viên gia đình họ, trong đó có trẻ nhỏ, liên tục phơi nhiễm các vật liệu chì trong xưởng sản xuất của gia đình", Tân Hoa xã đưa tin, cho biết thêm rằng hơn chục em đang được chữa trị trong bệnh viện. 

Trong khi đó, 500 cư dân khác ở địa phương được phát hiện bị nhiễm chì "vừa phải", với 400-600 microgram chì/lít máu. 

Đây là bê bối mới nhất về vấn đề ô nhiễm vốn "hoành hành" ở nhiều làng mạc và thị trấn khắp Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới có nhiều nhà xưởng cạnh tranh sản xuất hàng giá rẻ. 

Indonesia ủng hộ ứng viên Pháp làm TGĐ IMF


Christine Lagarde.

Thành viên nhóm G20 Indonesia, hôm 12/6, tuyên bố ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde làm Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh dấu sự hậu thuẫn công khai đầu tiên dành cho nữ ứng viên này từ một nền kinh tế mới nổi, tiếp thêm sức mạnh cho bà trong cuộc đua ba bên vào vị trí lãnh đạo IMF.

Trước đó, Indonesia không đưa ra cam kết nào về việc này, khi Đông Nam Á và các nền kinh tế đang nổi lên khác thảo luận về khả năng đề cử một ứng viên cho vị trí vốn vẫn thuộc về người châu Âu này. 

Với thời hạn chót chọn lãnh đạo IMF vào thứ Sáu tới, chỉ có Thống đốc Ngân hàng Israel và là nguyên Phó Tổng giám đốc IMF Stanley Fischer nổi lên như một ứng viên thách thức bà Lagarde và thống đốc ngân hàng trung ương Mexico Agustin Carstens.

Bốn người bị bắn chết trên đường cao tốc Mỹ

Các quan chức Bắc Carolina, Mỹ, cho biết bốn thi thể vừa được phát hiện trên một đường cao tốc ở một công khu nghiên cứu kinh doanh thuộc bang này. Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Durham cho hay, các nạn nhân gồm 3 phụ nữ được tìm thấy trong một xe hơi còn xác một nam giới ở bên ngoài chiếc xe.

Trung úy Stan Harris khẳng định vụ bắn giết này không phải là tùy tiện song ông nói không thể tiết lộ chi tiết. 

Danh tính của các nạn nhân cũng chưa được công bố do gia đình họ chưa được thông báo. 
 
Người lùn nhất thế giới cao 60cm


Junrey Balawing. (Ảnh: Barcroft Media)


Con trai của một thợ rèn nghèo khó ở Philippines đã đi vào Sách Kỷ lục Thế giới là người đàn ông thấp nhất trên hành tinh vào sinh nhật thứ 18 của anh hôm 12/6, khiến người dân địa phương rất vui mừng.

Ngay khi đạt được danh hiệu này, Junrey Balawing ở Sindangan, miền nam Philippines, đã nhận được được nhiều món quà, tiền mặt, bóng bay, bánh trái... từ dân làng và các quan chưc địa phương.

Balawing được đo cao 60cm trong một buổi lễ có sự tham dự của khoảng 100 người làng và các phóng viên. Đại diện Kỷ lục Thế giới Craig Glenday đã trao cho Balawing giấy chứng nhận chính thức là người đàn ông thấp nhất thế giới. 

Phát ngôn nổi bật

"Bà ấy là một người rất chuyên nghiệp. Bà ấy rất khéo léo trong việc tương tác các thể chế, có kỹ năng và sự chính trực cao", Ngoại trưởng Indonesia Agus Martowardojo ca ngợi Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, ứng viên hàng đầu trong cuộc chạy đua giành ghế Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ảnh ấn tượng:


Đức: Một cậu bé đạp xe dọc bán đảo Nordstrand. (Ảnh: EPA)



Mumbai, Ấn Độ: Một phụ nữ gom vật liệu để tái chế trên một bãi biển, nơi một tàu hàng bị mắc kẹt do thời tiết xấu. (Ảnh: Reuters) 

Ngày này năm xưa:

Ngày 12/6/1968, Đại hội đồng Liên  Hợp Quốc đã thông qua Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và kêu gọi các nước phê chuẩn hiệp ước này.

NPT ra đời nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân, được tóm tắt thành ba nguyên tắc trụ cột: Không phổ biến, Giải giới và Quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình. 

Đây là hiệp ước về kiểm soát vũ khí được nhiều nước trên thế giới tham gia nhất. Tuy nhiên, một vài quốc gia có thể đang sở hữu vũ khí hạt nhân không chịu tham gia hiệp ước này.

Thanh Hảo (Tổng hợp)