Nóng bỏng Biển Đông
Theo tờ Inquirer của Philippines, Mỹ và sáu nước ASEAN gồm Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã bắt đầu tham gia cuộc tập trận chung thường niên do Mỹ khởi xướng, mang tên Hợp tác và huấn luyện Đông Nam Á 2011 (Seacat 2011). Cuộc tập trận này kéo dài 10 ngày, từ 14 - 24/6, diễn ra trên biển và trên không, nhằm tập luyện bảo vệ các tuyến đường biển Đông Nam Á trước nguy cơ khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và những mối đe dọa hàng hải khác.
Cuộc tập trận Seacat 2011 do Mỹ chỉ huy diễn ra trên biển Sulu (Tây Nam Philippines), biển Celebes (Tây Thái Bình Dương, giáp quần đảo Sulu của Philippines) và eo biển Malacca (giữa Indonesia và Malaysia, nối Ấn Độ Dương và Biển Đông). Về phía Mỹ có tàu tìm kiếm cứu hộ USNS Safeguard tham gia. Về phía các nước ASEAN, Philippines có ba tàu chiến và mỗi nước ASEAN còn lại có một số tàu chiến tham gia.
Chiến hạm USS Chung-Hoon. |
Chỉ vài ngày sau khi Seacat 2011 kết thúc, hải quân Mỹ và Philippines sẽ tiếp tục cuộc tập trận chung thứ hai kéo dài trong 10 ngày (từ 28/6 đến 8/7) trên biển Sulu, mang tên Sẵn sàng hợp tác và huấn luyện trên biển (Carat 2011). Nội dung tập trận gồm huấn luyện các hoạt động quân sự trên biển, cứu hộ tàu thuyền và trao đổi chuyên gia. Tàu khu trục USS Chung-Hoon đã đi vào vùng biển quốc tế phía Tây Philippines.
Phát ngôn viên Hải quân Philippines, Trung tá Omar Tonsay, hôm 15/6 cho biết tổng cộng sẽ có 3 tàu chiến của Mỹ tham gia đợt tập trận chung giữa 2 nước tại vùng biển phía đông tỉnh Palawan. Theo tờ Inquirer, một trong số đó là chiến hạm USS Chung-Hoon, từng hỗ trợ tàu thăm dò Impeccable khi chiếc tàu này bị Trung Quốc “làm phiền” ở Biển Đông vào năm 2009.
Trong một diễn biến khác, tờ Focus Taiwan của Đài Loan cho hay, trong hai ngày 8 - 9/6 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành tập trận lớn trên vùng biển Tây Thái Bình Dương thuộc phía tây bờ biển Đài Loan. Theo báo này, 11 tàu chiến Trung Quốc, trong đó có ba tàu khu trục do Nga sản xuất và bốn tàu khu trục thuộc hạm đội biển Hoa Đông, đã được triển khai tập trận. 11 tàu này đã chia làm ba toán đi qua quần đảo Ryukyu của Nhật Bản.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cuộc tập trận này sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Báo China Daily (Trung Quốc) cho biết trong lực lượng tàu tham gia tập trận có một số tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Còn theo báo Focus Taiwan, hải quân Trung Quốc đã triển khai một tàu ngầm cứu hộ tham gia tập trận và có thể sẽ còn triển khai nhiều tàu ngầm nữa.
Và phát ngôn ấn tượng
"Tôi ngày càng thiên về từ gây hấn hơn là quả quyết để mô tả hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Và đó là sự khác biệt quan trọng”, Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định. "Trung Quốc đã gia tăng hành động trong vài tháng qua và làm như thế là đang xói mòn tuyên bố trỗi dậy hòa bình của họ, mất đi thiện chí và đẩy các nước trong khu vực gần hơn với Mỹ”, Storey nói thêm.
Gần đây, Việt Nam và Philippines đã nhiều lần phản đối các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông. Trong số các vụ việc, chuyện Philippines cáo buộc Trung Quốc dựng cột trụ, tháo dỡ vật liệu xây dựng, thả phao ở gần Amy Douglas Bank có thể là nghiêm trọng nhất, thể hiện rõ cáo buộc Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Libya tiếp tục rực lửa
Cuộc chiến tại Libya vẫn kéo dài dai dẳng. |
Hôm 15/6, Trung tướng Charles Bouchard - Chỉ huy các chiến dịch của NATO tại Libya, cho biết nhiệm vụ của khối này ở đây có thể được hoàn tất mà không cần phải sử dụng tới bộ binh. Ông cho hay, tình hình quân sự tại khu vực miền Tây Libya đang triển tiến triển "rất lạc quan". "Tôi thực sự tin rằng có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không cần tới bộ binh", ông nói.
Trong khi đó, nguồn tin báo chí quốc tế hôm 15/6 cho biết, đêm 14/6, sau ba ngày tạm lắng, thủ đô Tripoli của Libya lại bị lực lượng của NATO không kích. Nhiều nhà dân tại các địa điểm dân sự đã bị bốc cháy, một số người bị thương. Đài truyền hình nhà nước Libya cho biết thêm, liên quân NATO đã đánh bom vào các mục tiêu dân sự và quân sự tại thị trấn Al Jufrah (miền Trung nước này).
WikiLeaks lại gây sốc
Những tiết lộ của WikiLeaks tiếp tục gây sốt và sốc. |
Báo Asahi của Nhật hôm 15/6 dẫn các bức điện tín ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ cho thấy, năm 2008, Washington từng nhiều lần yêu cầu Tokyo tiến hành khảo sát thực địa sân bay và bến cảng tư nhân để chuẩn bị đối phó với CHDCND Triều Tiên. Theo Asahi, Washington muốn đẩy nhanh tiến trình này, do Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa vào năm 2006.
Theo đó, Mỹ muốn nhanh chóng có được thông tin chi tiết về các sân bay, bến cảng tư nhân tại Nhật Bản nhằm sử dụng các cơ sở này trong trường hợp chiến sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó phía Nhật Bản cho biết việc khảo sát gặp một số trở ngại như phải giải thích ý định với địa phương, hay khó khăn khi khảo sát tại một số nơi mà đảng đối lập chiếm ưu thế.
Cũng liên quan tới vấn đề Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa tái khẳng định rằng, cuộc đối thoại liên Triều cần được tổ chức trước khi nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên "có những bước cụ thể" nhằm thực hiện cam kết của mình về việc từ bỏ các chương trình hạt nhân.
Sự nhất trí trên đạt được sau cuộc gặp giữa Trưởng đoàn đàm phán sáu bên Nhật Bản Shinsuke Sugiyama với người đồng cấp Hàn Quốc Wi Sung Lac trong chuyến thăm Nhật Bản trong hai ngày 14-15/6. Hai bên đã tái khẳng định ủng hộ "cách thức chung" đã được Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ thông qua nhằm tìm cách nối lại cuộc đối thoại liên Triều.
Dấu hiệu rạn nứt mới
Trùm khủng bố Osama bin Laden đã ẩn náu một thời gian dài ở Pakistan trước khi bị Mỹ tiêu diệt. |
Tờ Thời báo New York cho biết, cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đã bắt giữ một số công dân nước này từng tham gia báo tin cho CIA trong vụ tiêu diệt Osama bin Laden hồi tháng trước. Trong số năm người bị bắt có cả một quan chức cao cấp trong quân đội Pakistan, và đây là bằng chứng mới nhất về sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Pakistan.
Sự việc này xảy ra đúng vào thời điểm mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tìm kiếm sự ủng hộ của Pakistan trong cuộc chiến ở nước láng giềng Afghanistan. Tuần trước, phó giám đốc CIA Michael J. Morell đã đánh giá về mức độ hợp tác của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố chỉ là 3/10, căn cứ vào việc trao đổi thông tin giữa tình báo hai nước.
Một số quan chức tại Washington coi việc bắt giữ này là minh chứng cho sự thiếu hợp tác giữa Pakistan và Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Trước đó, Mỹ cũng từng nhiều lần bày tỏ nghi ngờ rằng quân đội và tình báo Pakistan cố tình che giấu Osama bin Laden. Giới chức Mỹ đã đặt câu hỏi làm thế nào bin Laden có thể sống ở Pakistan suốt nhiều năm trời mà giới chức nước này không hề hay biết.
Ảnh ấn tượng
Ảnh: Reuters. |
Cậu bé Ajay 5 tuổi đang đội trên đầu túi rác mà cậu đã cất công nhặt nhạnh để bán lại cho những người thu gom đồng nát. Bức ảnh đầy xúc động này được tác giả Danish Siddiqui của hãng tin Reuters chụp được tại một khu dân cư ở thành phố "tỷ phú ổ chuột" Mumbai, Ấn Độ.
Ngày này năm xưa
Ngày 16/6/1919, Nguyễn Tất Thành chính thức lấy tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến hội nghị Versailles bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam. |
Bản yêu sách gồm 8 điểm: Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam; Cải cách nền pháp lý Đông Dương; Tự do báo chí và tự do tư tưởng; Tự do lập hội và tự do hội họp; Tự do cư trú ở nước ngoài; Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật; Thay chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp; Phải có đại diện người Việt Nam để trình bày nguyện vọng của người bản xứ.
Việc đưa bản yêu sách là đòn tiến công đầu tiên của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào Đế quốc Pháp và được đánh giá là "tiếng bom Versailles". Đó là sự kiện chính trị quan trọng gây xáo động trong thế giới thuộc địa, đồng thời là tiếng sấm mùa xuân, thức tỉnh nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cách mạng, báo hiệu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
- Thanh Vân (Tổng hợp)