Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp, vừa
được chọn làm nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Cuộc đua ghế 'nóng" tại IMF, ai có lợi thế?
'Người chữa cháy' cho IMF
Ở cương vị mới,
Christine Lagarde sẽ đương đầu với cuộc
khủng hoảng nợ tại châu Âu và phải cân bằng giữa nhu cầu
của các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển nhanh với nhu cầu của các quốc gia
đã phát triển trong quá trình phục hồi kinh tế.
Nữ Bộ trưởng Tài chính 55 tuổi của Pháp đã xuất sắc vượt qua đối thủ Agustin
Carstens - Giám đốc Ngân hàng Trung ương Mexico trong cuộc chạy đua vào chiếc
ghế lãnh đạo IMF.
Không giống như hầu hết người Pháp thích du lịch
nhưng không muốn sống ở nước ngoài, Lagarde đã tỏ ra vui mừng trước viễn cảnh
được quay lại Mỹ, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của bà sau vài năm ở đó,
lần đầu khi là một sinh viên và lần thứ 2 là một luật sư cấp cao.
Là Tổng giám đốc IMF, Lagarde sẽ tiếp một công việc xuất sắc mà bà từng được rèn
luyện ở Mỹ, nơi bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của hãng luật quốc tế
Baker & McKenzie tại
Chicago năm 1999.
Lagarde tham gia chính trường tương đối muộn, khi cựu Thủ tướng
Dominique de Villepin đề nghị bà làm bộ
trưởng phụ trách về thương mại quốc tế vào năm 2005. Sau đó, bà nhanh chóng được
Tổng thống Nicolas Sarkozy tín nhiệm chọn làm người đứng đầu Bộ Tài chính năm
2007, trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Pháp nắm giữ chức vụ này.
Mặc dù được ca ngợi là một lựa chọn đầy năng lực sáng tạo, những ngày đầu của
Lagarde trong lĩnh vực tài chính khá khó khăn. "Bà không nắm được các điều
luật", Catherine Pegard, một cố vấn của Tổng thống, thừa nhận trên báo Người
Paris.
Lagarde bị chỉ trích về một số sai lầm nhưng bà đã khẳng định được mình trong
cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bà giải quyết tốt tình hình và thúc đẩy
thành công một phản ứng phối hợp của cả châu Âu, giành được sự ngưỡng mộ cả ở
trong và ngoài nước.
Năm 2009, tờ Thời báo Tài chính vinh danh Lagarde là Bộ trưởng tài chính tốt
nhất châu Âu. Sau đó, tạp chí TIME đưa bà vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng
nhất thế giới năm 2010. Lagarde là một trong chỉ hai người Pháp lọt vào danh
sách này, cùng với Dominique Strauss-Kahn.
"Nếu tôi được chọn, tôi sẽ dành cho Quỹ toàn bộ kinh nghiệm của tôi như một luật
sư, một nhà quản lý kinh tế, một bộ trưởng và một phụ nữ" - người mẹ hai con đã
li dị này khẳng định khi bà thông báo ra tranh cử hồi cuối tháng 5.
Và chắc chắn, những kinh nghiệm của Lagarde sẽ được sát hạch trong quá trình
chèo lái IMF. Bà sẽ phải giải quyết bài toán Hy Lạp, nước đang đứng bên bờ vực
phá sản, cùng với Bồ Đào Nha và Ireland, hai quốc gia có nguy cơ vỡ nợ trong khi
phải xử lý vấn đề bất cân bằng kinh tế toàn cầu.
Lagarde cho biết, bà sẽ tiếp tục công việc của
Strauss-Kahn về cải cách IMF để phản ánh sức mạnh đang lên của các nền kinh tế
mới nổi, như Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đó có thể có nghĩa sẽ thay đổi một truyền
thống lâu nay là vị trí lãnh đạo IMF thuộc về một người châu Âu còn chức chủ
tịch Ngân hàng Thế giới luôn do một người Mỹ nắm giữ.
Lagarde đã nhất trí rằng thông lệ có lẽ cần được xem xét lại. Đối mặt với một
khối lượng công việc khổng lồ đó, khiếu hài ước vốn có của người phụ nữ này chắc
chắn sẽ giúp ích cho bà rất nhiều.
Thanh Hảo (Tổng hợp)