Bài viết của giáo sư quan hệ quốc tế Joseph S. Nye Jr., ĐH Harvard, tác giả của Quyền lực mềm.

Sức mạnh là khả năng ảnh hưởng đến người khác nhằm tạo ra kết quả mà mình mong muốn. Nó có thể đạt được nhờ cưỡng chế, tiền bạc hoặc bằng cách lôi cuốn và thuyết phục. Vậy những nguồn lực nào tạo nên sức mạnh như vậy trong thế kỷ này?

Trong thế kỷ 16, Tây Ban Nha hùng mạnh nhờ kiểm soát nhiều thuộc địa và vàng; thế kỷ 17, Hà Lan hưởng lợi từ thương mại và tài chính; thế kỷ 18, Pháp có lợi thế nhờ dân số đông và quân đội hùng mạnh; thế kỷ 19, Anh dựa vào cuộc cách mạng công nghiệp và tính ưu việt của hải quân.

Người ta thường cho rằng nước nào có quân đội mạnh nhất là nước chiếm thế thượng phong. Nhưng, trong thời đại thông tin của thế kỷ 21 này, có thể nhà nước (hoặc phi nhà nước) nào có câu chuyện hay nhất sẽ giành chiến thắng. Giờ đây, việc đánh giá cán cân sức mạnh toàn cầu không còn được rõ ràng nữa…

Có hai bước chuyển sức mạnh lớn đang diễn ra - chuyển giao sức mạnh và khuếch tán sức mạnh. Chuyển giao sức mạnh từ nước này sang nước khác là một quá trình từng xảy ra trong lịch sử. Nhiều nhà phân tích giải thích bằng câu chuyện về sự suy thoái của nước Mỹ, mang vô số đặc điểm tương đồng với Anh và La Mã.


Nhưng, La Mã chiếm vị thế thống trị trong hơn 3 thập kỷ sau khi đã đạt thời kỳ cực thịnh, và thậm chí sau đó nó cũng không bị hủy diệt bởi sự nổi lên của các nước khác mà bị tàn do hàng nghìn vết chém trong cuộc giết chóc lẫn nhau và cả những đợt tấn công của các bộ tộc man rợ thời đó. Đối với tất cả các dự báo thời thượng cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc Brazil sẽ vượt Mỹ trong vài thập kỷ tới, mỗi đe dọa lớn hơn có lẽ đến từ "những kẻ man rợ" hoặc yếu tố phi nhà nước.

Bước chuyển thứ hai là khuếch tán sức mạnh. Khi các nước vẫn là những "diễn viên" chiếm ưu thế trên sân khấu thế giới thì sân khấu đó sẽ trở nên đông đúc hơn và khó kiểm soát hơn. Ngày càng có nhiều người tiếp cận ngày càng nhiều thông tin.

Những gì chúng ta chứng kiến ở Trung Đông lúc này là một ví dụ chứng minh tính tốc độ và thuận tiện của công nghệ thông tin vốn đang trao sức mạnh cho những nhân tố vốn bị tước đi quyền lợi của mình trong xã hội. Các vẫn đề quốc tế giờ đây không còn là "mảnh đất riêng" của chính phủ.

Các cá nhân, các tổ chức tư nhân - tập đoàn, Tổ chức phi chính phủ NGO, và cả những kẻ khủng bố - giờ đây đều đóng vai trò trực tiếp trên sân khấu chính trị thế giới.

Ngày nay, các nguồn lực toàn cầu đang được phân chia theo kiểu đánh cờ ba chiều. Phía trên bàn cờ, sức mạnh quân sự vẫn chỉ là đơn cực, Mỹ vẫn duy trì thế độc tôn trong tương lai gần. Nhưng giữa bàn cờ, sức mạnh kinh tế đã đa cực trong hơn một thập kỷ qua, bao gồm Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, và  Mỹ đóng vai trò then chốt.

Đáy bàn cờ là những mỗi quan hệ giữa các quốc gia, nơi các tập đoàn đa quốc gia chuyển tiền, khủng bố chuyển vũ khí và tin tặc đe dọa an ninh mạng. Ngoài ra, ở đó còn gặp những thách thức về bệnh dịch và biến đổi khí hậu. Ở đáy bàn cờ này, sức mạnh bị khếch tán và khiến cho mọi câu chuyện về đơn cực, đa cực, bá quyền hay đế chế trở nên vô nghĩa.

Khi nói đến chính trị giữa các quốc gia, đáy bàn cờ - cuộc cách mạng thông tin đã góp phần hạ thấp đáng kể rào cản gia nhập sân khấu chính trị toàn cầu. 40 năm trước, thông tin nhanh trên phạm vi toàn cầu có thể thực hiện được nhưng đắt đỏ, và chỉ giới hạn trong phạm vi chính phủ và các tập đoàn. Ngày nay, nó miễn phí trên Skype.

Khi tôi làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ, trong những năm 1970, Mỹ và Liên Xô cũ đã chi hàng tỷ USD vào các bực ảnh vệ tinh có độ phân giải 1m. Ngày nay, ai cũng có thể tải miễn phí những hình ảnh chất lượng cao hơn từ Google Earth. Năm 2001, một nhóm phi nhà nước (Al-Qaeda) đã giết nhiều người Mỹ hơn cả Chính phủ Nhật giết trong vụ Trân Châu Cảng.

Dịch bệnh lây lan từ chim hoặc du khách hàng không có thể giết nhiều người hơn cả hai cuộc thế chiến. Càng ngày, sức mạnh càng được thể hiện trên không gian mạng.

Trong môi trường ấy, Mỹ không thể đạt mục tiêu nếu hành động một mình. Ví dụ, sự ổn định tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của Mỹ, nhưng không thể duy trì sự ổn định đó mà không hợp tác với các nước khác. Tương tự với biến đổi khí hậu.

Khi biên giới quốc tế trở nên mềm hơn , các nước phải sử dụng sức mạnh mềm để xây dựng mạng lưới và các định chế nhằm đối phó với các mối đe dọa chung. Về ý này, sức mạnh trở thành trò chơi tích cực. Lúc đó không còn có thể nghĩ một mình cách áp đặt sức mạnh của mình lên các nước khác. Thay vào đó, cần phải dùng sức mạnh để đạt được mục tiêu cùng với các nước khác.

Chủ nghĩa hiện thực đại diện đầy đủ cho một số khía cạnh trong các mối quan hệ quốc tế. Nhưng các nước không còn đóng vai trò quan trọng duy nhất trong các vấn đề toàn cầu, an ninh quân sự không còn là mục tiêu chính duy nhất mà họ tìm kiếm, và quân sự không phải là công cụ tốt nhất, và duy nhất để tiến tới mục tiêu mong muốn.

Thực sự, mối quan hệ giữa các nước tiên tiến hậu công nghiệp là mối quan hệ phức tạp phụ thuộc lẫn nhau. Mạng lưới quan hệ sâu xuyên quốc gia giữa các xã hội dân chủ có nghĩa: sự vắng mặt của bất kỳ chính phủ bao trùm nào đều có những hiệu ứng khác nhau trong những hoàn cảnh như vậy so với những dự báo hiện thực.

Nó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa các nước tiên tiến nơi sức mạnh mềm đóng vai trò quan trọng. Trong thời đại thông tin, truyền thông trở nên quan trọng hơn, và kết quả được hình thành không chỉ bởi quân đội ai thắng mà còn bởi câu chuyện của ai giành thắng lợi.

Ví dụ trong đấu tranh chống khủng bố, điều quan trọng là phải có câu chuyện hấp dẫn những người Hồi giáo chính thống. Sử dụng sức mạnh quân sự chống Bin Laden là cần thiết. Chúng ta không thể hấp dẫn được ông ta. Nhưng, sức mạnh mềm là cần thiết để giành được con tim khối óc của đại đa số trong thế giới Hồi giáo, giảm thiểu khả năng cực đoan hóa nơi này.

Trong thế kỷ 21, một chính sách đối ngoại thông minh phải kết hợp giữa sức mạnh cứng - cưỡng chế, trả tiền - với sức mạnh mềm - thu hút và thuyết phục. Đã qua rồi thời xác định một cường quốc như một quốc gia có khả năng chiến thắng trong chiến tranh. Sự thành công phụ thuộc không chỉ vào quân đội của ai chiến thắng mà còn phụ thuộc vào câu chuyện của ai chiến thắng.

Hồng Hà (Theo Project Syndicate)