Sau khi đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ tiêu diệt Bin Laden, Nhà Trắng đã công bố một bức ảnh ghi lại cảnh Tổng thống Obama và nội các ở trong phòng Tình huống theo dõi cuộc đột kích liều lĩnh. Tuy nhiên, trong khuôn hình lại không có một nhân vật đặc biệt - nhà phân tích của CIA, người đã chỉ đường cho Mỹ bắt trùm khủng bố Bin Laden.


Trong cuộc săn lùng tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, có lẽ không có ai quan trọng hơn nhà phân tích trên. Trong suốt gần một thập niên, công việc của "người bí ẩn" là tìm lãnh đạo mạng lưới Al Qaeda.

Nhà phân tích trên là người đầu tiên soạn ra báo cáo hồi năm ngoái rằng CIA có thể đã tìm được Bin Laden. Nhân vật bí ẩn này đã xem xét một tập hợp các bằng chứng dẫn CIA tới khu nhà mà Bin Laden đang ẩn náu tại Abbottabad, Pakistan. Nhà phân tích này là một trong những tiếng nói tin cậy nhất thông báo với Tổng thống Obama rằng Bin Laden có thể đang ẩn náu đằng sau những bức tường cao của một khu trại tại Pakistan.

CIA không cho phép nhà phân tích trên trả lời báo giới. Tuy nhiên, việc phỏng vấn các quan chức tình báo Mỹ đương nhiệm và đã về hưu đã làm lộ ra câu chuyện về sự bền bỉ trong yên lặng và sự liên tục, vốn dẫn tới thành công chống khủng bố vĩ đại nhất trong lịch sử của CIA. Hầu hết những người trả lời phỏng vấn đều khăng khăng không chịu nêu tên vì không được phép nói chuyện với báo giới và cũng không muốn tên tuổi mình gắn với chiến dịch truy sát Bin Laden.

Hãng AP đã đồng ý với đề nghị của CIA về việc không công bố tên tuổi cũng như chấp nhận giấu thông tin về tiểu sử nhà phân tích trên vì sợ ông này sẽ trở thành mục tiêu báo thù.

Vì vậy, hãy gọi nhà phân tích này là John - tên đệm.

John là một trong số hàng trăm người đầu quân cho trung tâm chống khủng bố của CIA sau vụ nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Họ chính là những cặp mắt tinh tường và những con người đem lại nhiệt huyết cho cuộc chiến.

John là một người nổi bật trong ban Nga và Balkan của CIA. Khi Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga, John tập hợp các chi tiết, vốn bị bị những người khác bỏ qua, và viết ra một tiểu sử sơ lược về Putin, vốn được các đồng nghiệp đánh giá cao. John vạch ra một số thông tin thiếu sót về Putin của CIA và vẽ nên chân dung đầy đủ về người đàn ông sẽ thống lĩnh chính trường Nga.

Khả năng phát hiện ra những thông tin quan trọng vốn tưởng như tầm thường, dệt nên các thông tin tạp nham thành một câu chuyện có ý nghĩa đã khiến John có sở trường đặc biệt trong việc truy lùng khủng bố.

Từ 2003 - khi gia nhập trung tâm chống khủng bố, tới 2005, John là một trong những động lực đứng sau một loạt chiến công chống khủng bố thành công nhất của CIA. Đó là việc bắt giữa những kẻ khủng bố khét tiếng Abu Zubaydah, Abd al-Nashiri, Khalid Sheik Mohammed, Ramzi bin Alshib, Hambali và Faraj al-Libi.

Tuy nhiên, không có giải thưởng nào lớn hơn là tìm ra Bin Laden.

Bin Laden đã thoát khỏi tay quân Mỹ trong cuộc truy lùng của lực lượng này ở khu vực núi non Tora Bora năm 2001. CIA tin rằng Bin Laden đã trú ẩn ở khu vực bộ lạc vô luật lệ tại Pakistan. Năm 2006, CIA mở chiến dịch Đạn canon trong nỗ lực thiết lập các căn cứ ở khu vực bộ lạc và tìm Bin Laden. Cho dù đổ ra bao tiền của và nhân lực, CIA vẫn không thể tìm được trùm khủng bố.

Vào thời điểm này, CIA có Giám đốc thứ 3 kể từ vụ 11/9.

John đã tồn tại lâu hơn nhiều so với nhiều sếp của mình, vốn phải về hưu hoặc chuyển sang công việc khác. CIA không muốn giữ một người ở một vị trí quá lâu vì như vậy người đó sẽ trở nên mệt mỏi và bỏ qua những thứ quan trọng.

John không muốn rời đi. John luôn bền bỉ. CIA đề xuất đề bạt John sang một vị trí khác và chuyển nhà phân tích này đến một nơi nào đó. Tuy nhiên, John vẫn muốn theo đuổi hồ sơ về Bin Laden. (Còn nữa)

  • Hoài Linh (Theo DailyMail)