- Khi cuộc chiến tại Libya đã gần như ngã ngũ, khi trên chiến trường với sự hỗ trợ trực tiếp bằng các cuộc không kích của Pháp và Anh, phe nổi dậy đã gần như chiến thắng về mặt quân sự, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tại Libya. Nếu như trước đây, trong những cuộc chiến như thế này, chắc chắn Mỹ sẽ đi đầu thì trong cuộc chiến tại Libya, Mỹ lại có thái độ khác. Vậy đâu là chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến này?

Khi Mỹ không trực tiếp tham gia không kích Libya mà giao lại vai trò này cho các đồng minh của mình trong NATO là Anh và Pháp. Nhiều nhà phân tích đã nói tới một học thuyết mới trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama đã được áp dụng trong “Mùa Xuân Ảrập”. Chiến lược này của Tổng thống Obama đã được một trong số các cố vấn của ông gọi là học thuyết “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind).

Ban đầu, thái độ của Tổng thống Mỹ Obama đối với cuộc chiến tại Libya đã bị phe Cộng hòa chỉ trích. Cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney đã nói “hãy theo chân người Pháp tới Libya” còn cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin lại nói “Tổng thống đang run”.

Nhưng sáu tháng sau khi cuộc chiến xảy ra, với những chiến công mới của mình như tiêu diệt được Bin Laden (việc mà George Bush đã không thành công trong suốt cuộc chiến chống khủng bố của mình kể từ 11/9/2001) và tiếp theo là việc góp phần lật đổ chế độ của Gaddafi (điều mà Ronald Reagan cũng đã không làm được trước đây), Tổng thống Obama cho công chúng Mỹ thấy sự lựa chọn về chiến lược của mình đã đúng. Nhiều tờ báo đã ví von “Ronald Reagan không hạ được Gaddafi, Bush không hạ được Bin Laden nhưng Obama đã hạ được cả hai” để đánh giá về thành công của Tổng thống Obama.

Từ cuộc chiến Libya nhìn rộng ra, có thể thấy gần đây Mỹ đã có những điều chỉnh quan trọng trong chiến lược đối ngoại/quân sự của mình, cụ thể ở những điểm sau:

Tránh dàn trải sức mạnh cùng lúc trên nhiều mặt trận


Chiến lược này của Mỹ cho thấy Mỹ đã ý thức được sự hạn chế nhất định của sức mạnh Mỹ. Mặc dù vẫn là một siêu cường, với sức mạnh quân sự vượt trội, chi phí quốc phòng lên tới 700 tỷ USD/năm nhưng sức mạnh của Mỹ không phải là vô tận.

Sự sa lầy của Mỹ tại Iraq và Afghanistan đã cho thấy rõ điều đó. Dù cho Mỹ đã chi tới hàng nghìn tỷ USD cho hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan thì vẫn không giành được “thắng lợi tuyệt đối” khi tình hình an ninh ở đây vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ trong khi chính quyền do Mỹ và phương Tây dựng lên vẫn không tự mình đảm đương được nhiệm vụ kiểm soát an ninh tại hai nước này. Chính vì vậy, Mỹ đã quyết định rút dần chân ra khỏi hai chiến trường gai góc này. Mỹ đã quyết định rút dần quân khỏi Afghanistan từ nay cho đến năm 2014 và Iraq vào cuối năm 2011, hiện Mỹ vẫn duy trì khoảng 47.000 quân tại đây.

Hỗ trợ đồng minh nhưng không can thiệp trực tiếp


Để có cơ sở tiến hành cuộc chiến tại Libya, chính Mỹ đã cùng với Pháp và Anh đã trình dự thảo Nghị quyết 1793 thiết lập vùng cấm bay tại Libya. Mỹ đã có những hoạt động lobby tích cực để Nghị quyết 1793 được thông qua. Mỹ đã giúp NATO khi Nghị quyết này được thông qua với thắng lợi không ngờ khi trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có 10 thành viên bỏ phiếu thuận và 5 thành viên bỏ phiếu trắng (trong đó có Nga và Trung Quốc) và không có thành viên nào bỏ phiếu chống. Việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1793 được đánh giá là “khó hiểu” so với thái độ của hai nước này trước đây. Xung quanh quyết định của hai nước này này, chỉ có lăng kính “lợi ích quốc gia” mới có thể lý giải được.

Chia sẻ trách nhiệm


Nếu như trong các cuộc chiến tại Iraq hay Afghanistan, Mỹ phải chịu những chi phí lớn để tiến hành cuộc chiến thì cuộc chiến tại Libya đã có sự thay đổi chiến lược đó là Mỹ “chia sẻ gánh nặng” hoàn toàn cho các đồng minh trong NATO, ngoài sự hỗ trợ của một số nước trong khu vực như UAE, Jordan, Qatar. Mỹ không mất gì nhiều về mặt tài chính, trong khi Pháp mất khoảng 200 triệu USD và Anh đã chi đáng kể cho các cuộc không kích. Mỹ không bị thiệt hại về người trong khi trong hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan Mỹ đã có hàng nghìn lính bị chết: kể từ khi cuộc chiến tranh Iraq bắt đầu  ngày 20/3/2003 đến nay, đã có khoảng gần 4500 lính Mỹ bị chết; tại Afghanistan tình hình cũng không sáng sủa hơn khi kể từ 2001 đến nay đã có 1176 lính Mỹ bị chết.

Thay đổi chế độ không cần can thiệp trực tiếp bằng quân sự

Trong khi vẫn áp dụng chiến lược nhất quán là “lật đổ chế độ” đối với những nước cứng đầu, chống Mỹ tới cùng nhưng cũng dễ dàng nhận ra nét mới trong chính sách này của Mỹ dưới thời George Bush và Barack Obama. Tổng thống Bush, một người của Đảng Cộng hòa truyền thống - với những tư tưởng của phe Diều hâu Mỹ ưu tiên sử dụng sức mạnh quân sự - chủ trương sử dụng vũ lực để can thiệp lật đổ các chế độ mà Mỹ muốn thay đổi, kể cả khi không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như trong trường hợp của Iraq năm 2003. Nhưng Obama (và phương Tây) lại có cách tiếp cận mới, đó là biết kích động dân chúng các nước này đứng lên nổi dậy đòi lật đổ các chế độ đã cầm quyền từ nhiều thập kỷ ở các nước này (Ai Cập, Tunidia) và trong trường hợp cần thiết thì hỗ trợ phe nổi dậy (cung cấp vũ khí, xăng dầu), thậm chí là “can thiệp hạn chế” (cử cố vấn quân sự, không kích của đồng minh) như trong trường hợp Libya. So với chiến lược của Bush thì chiến lược của Obama rõ ràng là hiệu quả hơn rất nhiều.

Một khi đã được áp dụng hiệu quả tại Libya, rất có thể, trong thời gian tới Mỹ sẽ áp dụng học thuyết này ở những nước khác như Iran hay Syria.

Việt Thành