TIN LIÊN QUAN:
Thêm người thân cận của TT Afghanistan bị giết
Em trai Tổng thống Afghanistan bị bắn chết
8 nhân viên của LHQ bị sát hại tại Afghanistan
Lộ ảnh lính Mỹ tạo dáng bên xác chết Afghanistan
Em trai Tổng thống Afghanistan bị bắn chết
8 nhân viên của LHQ bị sát hại tại Afghanistan
Lộ ảnh lính Mỹ tạo dáng bên xác chết Afghanistan
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhận định trên chỉ là ảo tưởng. Sau 10 năm, về phía Afghanistan, mặc dù đã có một số kết quả tương đối khả quan như việc thông qua Hiến pháp vào năm 2004 hay những nỗ lực trong việc khôi phục hệ thống giáo dục, chương trình chăm sóc y tế hay các hoạt động thương mại tại những thành phố của Afghanistan. Về phía Mỹ và liên quân, họ đã lật đổ được chế độ Taliban, tiêu diệt được Bin Laden… Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình ở Afghanistan vẫn là một bức tranh với nhiều mảng màu tối.
Thiệt hại về người và hao phí tiền của
Sau 10 năm, cái giá mà Mỹ và phương Tây phải trả cho cuộc chiến tại Afghanistan là quá lớn. Chỉ tính riêng ở góc độ tài chính đã có trên hàng nghìn tỷ USD đã được đổ vào cuộc chiến tại Afghanistan, trong đó Mỹ đóng góp khoảng 450 tỷ USD. Khoản tiền phải bỏ ra so với những gì đã đạt được quả là không cân xứng. Trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái hiện nay thì những khoản tài chính dành cho chiến tranh như ở Afghanistan sẽ càng bị người dân Mỹ và phương Tây chỉ trích. Họ không muốn chính phủ của họ lấy những khoản tiền đóng góp từ thuế của người dân để đổ vào “thùng không đáy” ở Afghanistan.
Về phương diện con người, Mỹ và đồng minh đã triển khai khoảng 140.000 lính tại Afghanistan. Và tính đến nay đã có tổng cộng 2.753 lính Mỹ và liên quân thiệt mạng tại Afghanistan, trong đó số binh lính Mỹ thiệt mạng là 1800 người. Những nước đồng minh có nhiều binh lính thiệt mạng nhất trên chiến trường Afghanistan đó là Anh (382 người), Canada (157 người), Pháp (75 người), Đan Mạch, Italy (42 người), Tây Ban Nha (33 người), Ba Lan, Australia (29 người)…
Nếu như trong năm 2001, số lính Mỹ và liên quân thiệt mạng chỉ là 12 người thì con số này tăng dần lên theo các năm tiếp theo. Đặc biệt là từ 2007 khi phe Taliban giành lại được lợi thế trong cuộc chiến tranh du kích thì con số lính thiệt mạng tăng rõ rệt: 232 năm 2007, 295 năm 2008, 521 năm 2009, 711 năm 2010 và 472 năm 2011 (tính đến tháng 9/2011).
Số binh lính Mỹ và liên quân thiệt mạng ngày càng tăng cho thấy: chiến lược quân sự của Mỹ và đồng minh tại Afghanistan không còn phát huy hiệu quả; phe Taliban đang dần lấy lại ưu thế về quân sự với chiến lược du kích, tránh đối đầu trực tiếp. Và trên hết là Mỹ và đồng minh đang bất lực trước tình hình tại Afghanistan và có ý định “buông xuôi”. Việc ĐSQ Mỹ tại Afghanistan và trụ sở ISAF bị tấn công ngày 13/9 là minh chứng cho thấy thực trạng này.
Hơn nữa, chính việc có quá nhiều tác nhân tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan, sự đa dạng sắc tộc đi kèm với nó là việc tranh giành quyền lực và chính sách nước đôi của Pakistan trong vấn đề chống khủng bố là những rào cản khó vượt qua để đưa đất nước Afghanistan đi đến ổn định.
Một Chính phủ Afghanistan mất uy tín và yếu trong điều hành
Một trong những nguyên nhân góp phần vào thất bại của Mỹ và đồng minh tại Afghanistan đó là chính phủ Afghanistan do ông Hamid Kazai đứng đầu đã quá yếu kém. Sau bao nhiêu năm đứng dưới ô an ninh của Mỹ và NATO nhưng Chính phủ Afghanistan vẫn không thể thành lập được các lực lượng quân đội, an ninh có năng lực để tự đảm bảo an ninh cho chính mình. Hơn nữa, tình trạng tham nhũng tràn lan cũng là một thách thức đối với Afghanistan.
Nhóm khủng hoảng quốc tế đã nhận định “sau một thập kỷ viện trợ ồ ạt, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc biến Afghanistan thành một đất nước ổn định về chính trị và sống được bằng kinh tế”. Theo nghiên cứu của Đại học Brown, cuộc chiến Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của 33.877 người gồm cả quân đội và dân sự (cả người Afghanistan và nước ngoài). Theo Liên Hợp Quốc, bạo lực đã tăng lên 40% trong 8 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010.
Một tương lai mờ mịt cho Afghanistan?
Việc Mỹ và các đồng minh NATO đã quyết định rút dần quân khỏi Afghanistan tiến tới rút toàn bộ lực lượng vào năm 2014 càng đặt đất nước Afghanistan vào tình trạng tương lai bất định. Một là, sự bất lực trong việc tự đảm bảo an ninh cho đất nước bằng chính các lực lượng của mình. Hai là, chiến lược đàm phán với Taliban của ông Kazai gần như đã thất bại do lực lượng Taliban đang có nhiều lợi thế nên không chịu ngồi vào bàn đàm phán.
Bên cạnh đó, một hệ lụy khác đối với Afghanistan là viện trợ quốc tế dành cho nước này trong những năm tới có thể sẽ giảm đáng kể, đặc biệt là sau thời hạn 2014. Trong giai đoạn từ 2002 đến 2010 nước này đã nhận được 57 tỷ USD tài trợ từ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh, nền kinh tế nước này con chưa thực sự được khôi phục lại thì đây quả là một khó khăn quá lớn. Hội nghị các nhà tài trợ dành cho Afghanistan sẽ được tổ chức vào cuối năm nay tại Bonn có thể đánh dấu sự khởi đầu cho tiến trình giảm cam kết của các nhà tài trợ tại Afghanistan.
Chính những nhân tố trên khiến cho tình hình ở Afghanistan trong tương lai sẽ ngày càng u ám hơn và kịch bản về một cuộc nội chiến kéo dài dường như là khó có thể tránh khỏi. Đây là kịch bản tồi tệ vì Afghanistan gần như luôn trong tình trạng hỗn độn hoặc chiến tranh kể từ thập niên 1980 đến nay.
- Việt Thành