Cựu tù nhân của quân đội Mỹ trên chính quê hương Afghanistan của ông bước vào văn phòng trên một chiếc nạng. Ông cho biết mình đi lại khó khăn sau khi trải qua một năm tù tại một ô khám rộng khoảng 3m2 bên trong Căn cứ Không quân Bagram ở Afghanistan.


Trại giam Bagram đang giam giữ 3.000 tù nhân.

Ông đồng ý nói chuyện với nhóm phóng viên của CBS News nếu họ giấu kín danh tính cho mình.


"Các ô giam giữ của chúng tôi giống những chiếc lồng", Mohammed nói bằng tiếng Dari qua một phiên dịch viên. "Chúng tôi không nhìn thấy gì ở bên ngoài". 


Những phòng giam kiểu lồng dành cho một số tù nhân ở Bagram, cách thủ đô Kabul khoảng một giờ lái xe về phía bắc, là một phần trong chương trình đổi mới trị giá 60 triệu USD năm 2009. Mohammed - bị bắt hồi tháng 6 năm đó - tin rằng những người hàng xóm bực dọc đã báo cho quân đội Mỹ về ông sau một cuộc tranh chấp đất đai. Trong suốt 6 tháng trời, gia đình không hề hay biết tại sao ông biến mất. 


"Ai đó mật báo rằng tôi đang giúp cho Taliban. Tôi xây dựng đất nước này. Còn những gì Taliban làm là phá hủy đất nước", ông nói.

Taliban là một phong trào Hồi giáo liên kết với al-Qaeda và thống trị Afghanistan từ năm 1996 tới năm 2001, cho đến khi bị Mỹ lật đổ. 


Mohammed, cha của 10 người con, cho biết ông là một kỹ sư tốt nghiệp chính quy và là một giáo viên dạy nữ sinh. Ông chưa bao giờ ủng hộ Taliban. Ông cũng chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào chống lại mình, và ông cũng không được tìm luật sư. Thay vào đó, một sĩ quan quân đội Mỹ được chỉ định để đại diện cho ông. 


"Tôi vô tội. Tôi chẳng làm gì sai cả", Mohammed nói. Ông cho biết mình không bị lạm dụng về thể xác nhưng phải thức suốt ngày đêm để trả lời thẩm vấn. 


Ngày nay, có hơn 3.000 tù nhân ở Bagram, nhiều gấp 5 lần con số hồi Barack Obama lên nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2009, hơn 18 lần so với số tù nhân ở trại giam Vịnh Guantanamo, Cuba. 


Trong khi Guantanamo là một tâm điểm của các tranh cãi quốc tế và pháp lý kể từ khi Mỹ bắt đầu gửi các nghi phạm khủng bố tới đây năm 2002, mức tăng chóng mặt về số tù nhân tại Bagram lại không bị dư luận chú ý nhiều cả từ bên trong lẫn bên ngoài Afghanistan.  

 

Khi CBS News đề nghị được tới thăm Bagram cách đây 3 tháng, lúc đầu quân đội Mỹ đồng ý nhưng sau lại hủy bỏ. Đề nghị của CBS được phỏng vấn bất kỳ một quan chức quân sự Mỹ nào ở Afghanistan hoặc ở Lầu Năm Góc về các thủ tục bắt giữ tù nhân đều bị từ chối.


Hồi đầu năm nay, Daphne Eviatar, một luật sư của tổ chức Human Rights First, đã hỏi chuyện gần 20 cựu tù nhân ở Afghanistan và được phép quan sát một số phiên luận tội tù nhân ở Bagram.


"Còn tồi tệ hơn cả Guantanamo", Eviatar mô tả trong một cuộc phỏng vấn, "bởi vì có ít quyền hơn". 


Không giống như ở Guantanamo, Bộ Quốc phòng không công bố danh tính của các tù nhân ở Bagram hoặc lý do họ bị bắt giữ. Eviatar cho biết, câu chuyện của Mohammed là một điển hình. 


Khi cách đây 2 năm, Liên đoàn Dân quyền Mỹ (ACLU) yêu cầu chính phủ công bố thêm về danh tính và tư cách công dân của các tù nhân Bagram, nơi họ bắt giữ và thời hạn giam giữ họ, Bộ Quốc phòng đã chống lại đơn kiện và trả lời rằng ngay cả các tiêu chuẩn để bắt giữ họ cũng là một bí mật quốc gia.


Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét các đơn đấu thầu nhằm mở rộng nhà tù này lên mức có thể giam giữ 5.500 tù nhân. Dự án này được cho là sẽ ngốn khoảng 25-100 triệu USD nữa khi được hoàn thành vào cuối năm 2012. 


Mohammed cho biết, ông chắc chắn có những phiến quân thật sự bị giam giữ tại Bagram. Tuy nhiên, ông tin rằng không ít người đã bị giam giữ một cách bất công. Quan điểm lạc quan một thời của ông về Mỹ giờ đây đã thay đổi.  


"Khi tôi nghĩ đến việc trải qua hơn 1 năm trong tù mà không có tội gì, nó không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân tôi mà còn ảnh hưởng tới gia đình tôi, nó ảnh hưởng tới cuộc đời của tôi, tới công việc của tôi. Điều đó khiến chúng tôi tức giận", Mohammed bày tỏ.


Thanh Hảo (Theo CBS News)