Theo giới phân tích quốc tế, cuộc chiến ngầm chống Iran của phương Tây đã nổ ra vì nếu không Mỹ và Israel đã chẳng mất công phá hoại các điểm hạt nhân, tiêu diệt các nhà khoa học chủ chốt của Iran.


Những vụ nổ bí hiểm tại các địa điểm hạt nhân, những vụ "ám sát" các nhà khoa học, máy bay không người lái gặp nạn đã làm đậm thêm những lo sợ rằng cuộc chiến ngầm chống Iran của phương Tây đã bắt đầu.

Lực lượng vệ binh cách mạng Iran hôm 6/12 đã sẵn sàng chiến đấu khi chỉ huy của nước này chỉ thị quân đội sẵn sàng cho các chiến dịch. Mệnh lệnh do Tướng Mohammed Ali Jaafari được ban ra sau khi Iran tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và tấn công đại sứ quán Anh tại Tehran, làm cư dân phương Tây lo sợ rằng Iran đang đẩy mọi việc lên tới một cuộc xung đột lớn.


Cuộc chiến thế kỷ 21

Trước đó, hàng loạt vụ nổ bí hiểm xảy ra tại các cơ sở hạt nhân Iran, một số nhà khoa học nước này bị bắt cóc và ám sát, các máy tính ở những nhà cơ sở hạt nhân Iran bị phá hoại bằng virus. Những sự kiện này khiến cho ngày càng nhiều chuyên gia nhận xét, cuộc chiến đã thực sự nổ ra - "cuộc chiến thế kỷ 21".

Tranh cãi chủ chốt ở đây là chương trình hạt nhân của Iran phát triển quá nhanh dù Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad khăng khăng cho rằng nó chẳng mở rộng một mảy may nào.

Các lệnh trừng phạt và sức ép ngày càng tăng của quốc tế dường như không thuyết phục được Iran giảm tốc việc làm giàu uranium. Và nhiều nhà quan sát tin rằng các vụ nổ tại các cơ sở hạt nhân và việc nhằm vào các nhà khoa học chủ chốt của Iran là một cách hạn chế tham vọng Iran trực tiếp hơn.

Patrick Clawson, thuộc Viện Washington về các chính sách Cận Đông nói, ông không ảo tưởng về những gì đang diễn ra. "Nó giống như một hình thái chiến tranh của thế kỷ 21. Có vẻ như đó là một chiến dịch ám sát và chiến tranh mạng, cũng như bán thừa nhận về chiến dịch phá hoại". Những gì không rõ ràng là ai đứng sau những vụ tấn công vào các địa điểm hạt nhân Iran.

Một quan chức Mỹ đã về hưu nhưng luôn được cập nhật các thông tin tình báo nói: "Có thể nói người Israel rất tích cực". Ông này cũng nói thêm về những nỗ lực của Mỹ như sau: "Mọi thứ mà ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney nói chúng ta nên làm như siết chặt cấm vận, tiến hành các hoạt động ngầm và sức ép của cộng đồng quốc tế - là những thứ mà chúng ta thực sự đang làm".

Chiến dịch phá hoại bán công khai?

Ngày 12/11, một vụ nổ lớn đã xảy ra và san phẳng một căn cứ của vệ binh cách mạng Iran tại Bid Kaneh, làm 17 người gồm cả người sáng lập chương trình tên lửa đạn đạo của Iran thiệt mạng. Tuần trước, một vụ nổ riêng rẽ cùng gây thiệt hại nặng cho một cơ sở làm giàu uranium tại Isfahan.

Hai nhà vật lý hạt nhân Iran đã thiệt mạng và người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Fereydoun Abbasi-Davani cũng bị thương do quả bom gắn vào xe của họ hoặc phát nổ gần họ hồi năm ngoái.

Mark Hibbs, một chuyên gia hạt nhân tại Carnegie Endowment ở Đức nói, các hoạt động dữ dội của chiến tranh ngầm cho thấy đó là nơi Mỹ và Israel đổ sức mạnh vào ở thời điểm này. "Nếu Mỹ hoặc Israel quyết tâm hạ gục hẳn các cơ sở hạt nhân của Iran thì họ sẽ không tốn thời gian nhằm vào từng nhà khoa học của nước này như vậy".

Tuy nhiên, ông này cũng chỉ ra rằng trước khi Israel tấn công lò phản ứng Osirak của Iraq năm 1998 thì cũng có một loạt vụ mưu sát nhằm vào các nhà khoa học Iraq diễn ra.

Ông Hibbs nói thêm: "Trong cộng đồng chuyên gia có tồn tại lo ngại rằng chúng ta đã tung ra một lực lượng mà giờ không thể kiểm soát được". Lực lượng không kiểm soát được chính là virus máy tính Stuxnet, con virus đã hoành hành tại các cơ sở hạt nhân Iran năm 2010 và được cho là tác phẩm của các kỹ sư Mỹ và Israel.

Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao trong chính quyền Obama đã phủ nhận và nói Mỹ không hề liên quan.

  • Hoài Linh (Theo DailyMail)