Các đòn cấm vận kinh tế do Liên đoàn Ảrập (AL) áp đặt lên Syria được nhiều nhà quan sát coi như một nỗ lực gia tăng sức ép đòi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ngừng chiến dịch đàn áp nhằm vào làn sóng biểu tình phản đối. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng tác động của chúng sẽ làm tổn hại lợi ích của các bên không kém gì ảnh hưởng đến Syria.

TIN BÀI KHÁC:


Biểu tình ở Syria hôm 27/11. (Ảnh: Reuters)

Theo một số quan chức cũng như các nhà kinh tế Syria, các lệnh cấm vận sẽ chỉ có tác động rất ít đến nền kinh tế tự cung tự cấp của nước này nhưng sẽ tạo ra cơ hội cho sự tự cải tiến và tự lực của các nhà tư bản công nghiệp Syria.

Thứ trưởng Vận tải Syria Mahmoud Zanboua cho rằng, các đòn trừng phạt nhằm vào xuất khẩu của Syria sẽ chỉ khuyến khích sản xuất trong nước vì các sản phẩm nội địa sẽ không gặp phải sự cạnh tranh nào.

Mới đây, phát ngôn viên Mohammed Kayed của Bộ Ngoại giao Jordan thừa nhận rằng, đất nước ông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh cấm vận nhằm vào Syria và đã yêu cầu AL đưa các ngành thương mại và hàng không ra khỏi danh sách cấm vận.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Jordan, ông Sami Qammo, tổng kim ngạch thương mại giữa nước này và Syria kể từ năm 2000 đã lên đến khoảng 7 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD xuất khẩu sang Syria và 5 tỷ USD nhập khẩu từ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng phía bắc Syria và là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho cấm vận Syria, sẽ chịu thua thiệt sau khi Syria hủy bỏ thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước, theo Hamdi al-Abdallah, một nhà phân tích kinh tế.

Hôm 4/12, chính phủ Syria tuyên bố ngừng thỏa thuận thương mại tự do để trả đũa việc Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế.

Hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin hôm 6/12 rằng tổng thương mại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt từ 400 triệu USD năm 2004 lên 2,2 tỷ USD năm 2010, và phần của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tới 70%.

Lebanon và Iraq, hai đối tác thương mại chính của Syria, thận trọng hơn về tác động của các lệnh cấm vận đối với nền kinh tế của mình. Hai nước không bỏ phiếu đồng ý cấm vận trong cuộc họp của AL tuần trước.

Thương mại giữa Syria và Iraq đạt 2 tỷ USD năm 2010 và dự kiến sẽ vọt lên 3 tỷ USD vào cuối năm nay, và khoảng 1/3 xuất khẩu từ Syria hướng sang Iraq, theo hãng SANA.

Trong khi đó, chính quyền Beirut cho biết Lebanon không tham gia trừng phạt Damascus bởi vì Syria là hành lang đất liền duy nhất của Lebanon tới các nước Vùng Vịnh.

Một ngày sau khi AL thông qua lệnh cấm vận, Bộ trưởng Kinh tế Syria Mohammad Nidal al-Shaar tuyên bố rằng các chế tài này là một "tiền lệ nguy hiểm mà rút cục sẽ có tác động mạnh mẽ lên người dân Syria".

Tuy nhiên, ông khẳng định "chúng tôi sẽ dựa vào các nguồn lực kinh tế của mình và tăng cường chúng".

Thanh Hảo
(Theo THX)