Đằng sau vụ tấn công nhằm vào quan chức ngoại giao Nga tại Qatar là những quan hệ chồng chéo phức tạp và xung đột lợi ích kinh tế, chính trị giữa Moscow và Doha.

Đại sứ Nga Vladimir Titorenko tại Qatar

Nga đã hạ mức quan hệ ngoại giao với Qatar sau khi Đại sứ Nga tại Qatar bị hải quan và các nhân viên an ninh tại sân bay Doha tấn công.

Đại sứ Vladimir Titorenko đã bị tấn công tại Sân bay Doha vào ngày 29/11 khi ông đi công tác ở Jordan về. Trong khi đi qua cửa hải quan, ông đã bị nhân viên an ninh tấn công. Nhân viên này đã tìm cách tịch thu vali ngoại giao của đại sứ.

Trong ngày tiếp theo đó, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi yêu cầu tới Qatar, kèm theo đó là đề nghị một lời xin lỗi chính thức của Doha, nhưng điều đó đã không được chấp thuận. 

Ngày 4/12, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã chính thức thông báo với Thủ tướng Quata và Bộ trưởng Ngoại giao nước này là Sheikh Hamad Bin Jassim Bin Jabr Al-Thani rằng Moscow tạm ngưng quan hệ ngoại giao với Doha cho tới chừng nào các yêu cầu trên của phía Nga được thực thi đầy đủ.

Sự việc trên hẳn nhiên không tự dưng xảy ra mà không có nguyên nhân của nó.

Một nhà ngoại giao giấu tên đã bình luận với tờ Ria Novosti rằng, sự việc trên có liên quan tới vị thế của Nga đối với tình hình tại Syria.

Qatar luôn ủng hộ các lệnh trừng phạt lên chế độ của Tổng thống Syria President Bashar al-Assad, trong khi Nga lại có những động thái "đi ngược" lại với việc trừng phạt Syria ở mọi cấp độ ngoại giao, bao gồm cả tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nguồn tin trên cũng nói rằng đại sứ Titorenko đã rất "nhiệt tình" trong việc giải thích vai trò của nước Nga trong các cuộc họp báo, và thậm chí trong các bài báo mà ông đã viết về bản chất của cuộc xung đột ở Syria. Như vậy, những hành động của đại sứ Nga tại Qatar đã làm phật lòng một số nhân vật và dẫn đến vụ tấn công trên.

"Sự cố" với quan chức ngoại giao Nga được xem như là một cấp độ mới của "lập trường cứng rắn" mà Qatar đã thông qua sau khi họ trở thành lãnh đạo luân phiên của Liên đoàn Ả Rập - biên tập viên James Corbett của một trang tin bình luận với trang RT của Nga.

"Hành động này là cố ý" - Corbett nói. "Sự cố ngoại giao đáng tiếc này sẽ không thể được cho qua một cách dễ dàng. Mọi người đều có thể hình dung ra điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài lên quan hệ của hai nước".

Biên tập viên này cũng cho rằng Washington có liên quan tới việc định hình chính sách của Qatar. Tổng lượng tiền mà Mỹ đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng ở Qatar lên tới 60-70 tỉ USD.

"Mỹ chắc chắn là đang chơi quân bài ngoại giao của họ để gây sức ép lên Qatar nhằm vận dụng quyền lực của họ tại Liên minh Ả Rập theo cách có lợi nhất cho các quyền lợi của Mỹ" - biên tập viên này bình luận.

Bên cạnh bất đồng trong vấn đề Syria, quan hệ Nga và Qatar còn chứa đựng cả cạnh tranh trong lĩnh vực khí đốt.
Sau tai nạn, đại sứ Nga nói rằng ông hy vọng vụ tấn công không được lên kế hoạch từ trước. Ông chỉ hy vọng rằng tai nạn xảy ra chỉ vì các nhân viên hàng không không nắm rõ về luật quốc tế.

Theo ông Titorenko, xung đột xảy ra là khi các nhân viên Qatar đòi chiếu tia X kiểm tra thư từ của ngoại giao Nga. Theo các điều khoản của Công ước Vienna, các thư từ ngoại giao không phải kiểm tra qua X-quang. Đại sứ Nga cho biết, ông có thêm một đặc quyền của Bộ Ngoại giao Qatar là được phép mang theo các tài liệu ngoại giao mà không bị kiểm tra.

Do đó, một vụ "tấn công nhầm" sẽ không bị chỉ trích. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng các hành động của cảnh sát Qatar dường như lại được các nhà chức trách "bật đèn xanh". Ít nhất, Qatar có 5 ngày để sửa sai nếu thật sự đây chỉ là do "nhầm lẫn". Nhưng điều này đã không xảy ra.

Tờ Pravda của Nga bình luận rằng: "Một nước nhỏ như Qatar có thể đã đạo diễn vụ tấn công 'rành rành' như vậy nhằm vào lãnh đạo ngoại giao của Nga đang công tác tại đất nước này. Đất nước 'nhỏ xíu' đã tấn công nước lớn nhất". 

Cũng theo tờ báo này, đây không phải là lần đầu tiên Qatar thể hiện lập trường chống Nga. Kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar đã đưa tin về cuộc chiến tại Caucasus năm 2008 mà phía Nga cho rằng đó là các thông tin 'không chính xác'. Hơn nữa, Nga cho rằng một số lãnh đạo khủng bố đã ẩn náu tại Qatar sau cuộc chiến Chechen lần thứ hai. Một trong những nhân vật mà Nga đưa vào danh sách khủng bố ở Chechen là Zelimkhan Yandarbiev đã bị tiêu diệt trên đất Qatar.

Sergei Demidenko - một chuyên gia nghiên cứu về các quốc gia Ả Rập - cũng tin rằng sự cố tại sân bay Doha không đơn giản chỉ là một "tai nạn".

"Tôi không dám chắc là vụ tấn công nhằm vào đại sứ Nga là do quan điểm của Nga về vấn đề Syria. Thực tế, chính quyền Qatar muốn ông Assad ra đi, nhưng việc tấn công đại sứ Nga không phải là một hành động theo kiểu trả đũa. Điều đó rất lố bịch. Nếu nhìn từ quan điểm này, Qatar có rất nhiều cơ hội khác để nhằm vào Nga" - Demidenko phân tích.

"Nhưng sẽ thú vì hơn rất nhiều nếu như nhìn lại quan hệ giữa Qatar và Nga trong suốt 10 năm vừa qua. Nga và Qatar cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp khí đốt. Vài năm gần đây, các quan chức Qatar đã đưa ra gợi ý về việc thành lập một Tổ chức Các nước Xuất khẩu khí đốt (kiểu OPEC). Nhiều năm qua đi, nhưng ý tưởng trên đã không có thêm tiến triển nào. Quan hệ với Nga rơi vào bế tắc".

Sergei Demidenko cho rằng nguồn cơn của vụ tấn công "vỗ mặt" trên là do sự bất đồng về lợi ích. Qatar xây dựng chiến lược khí đốt dựa trên việc bán các loại khí hóa lỏng. Nga lại đặt khí đốt qua đường ống lên hàng đầu. Có một dạo khí đốt của Nga còn rẻ hơn khí đốt của Qatar.

"Đây là một tin xấu cho Qatar, bởi vì đất nước này đã định mở rộng hoạt động vận chuyển khí tự nhiên bằng tàu thuyền. Cách đây không lâu, Nga cũng lại trở thành đối thủ cạnh tranh của Qatar trong lĩnh vực khí hóa lỏng" -Sergei Demidenko nói thêm. Theo đó, Nga đã khởi động việc sản xuất khí hóa lỏng tại Sakhalin. 

"Điều này chỉ có nghĩa là quan hệ giữa Nga và Qatar đang xấu đi. Thị trường khí đốt tự nhiên không rộng như thị trường dầu lửa. Chẳng hạn, một cường quốc khí đốt thứ hai thế giới sau Nga là Iran đã không tham gia thị trường này một cách tương xứng. Các quốc gia châu Á cũng chưa tận dụng mọi tiềm lực của họ. Nhưng khi điều đó xảy ra, cạnh tranh trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên sẽ chỉ dữ dội hơn mà thôi" - chuyên gia này cho biết.

Theo các nhà phân tích phương Tây, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Qatar tới Tây Âu đã tăng 25,5 lần trong suốt 8 năm qua. Qatar chỉ có thể mở rộng trên thị trường này trong tương lai.

Cũng theo đó, châu Âu có thể sẽ không còn phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Bản thân nước Nga cũng không thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh với Qatar. Có một điều rõ ràng vào lúc này là, sự cố với vị đại sứ Nga tại sân bay là một dấu hiệu cho thấy các thay đổi sắp tới trong mối quan hệ của Nga với đất nước "nhỏ" nhưng giàu tài nguyên Qatar.

  • Lê Thu (Theo RT/Rian/Pravda)