Lịch sử của Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã được ghi lại và được biết đến nhiều nhất so với bất kỳ cuộc chiến nào trong lịch sử loài người. Điều này là nhờ có các kho dữ liệu khổng lồ, và cả các bằng chứng sống.

Tuy nhiên, với lượng thông tin đồ sộ như vậy, rất nhiều sự kiện và thông tin đặc biệt về cuộc chiến đã bị lãng quên. Chẳng hạn như những câu chuyện dưới đây.

1. "Bí mật nhỏ" của hãng tin BBC

Trong suốt thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ II, hãng tin BBC (của Anh) là kênh phát thanh được lắng nghe nhiều nhất trên thế giới. Tin tức của hãng đặc biệt được đánh giá là trung thực về các sự kiện thế giới và hàng triệu người châu Âu đã lắng nghe kênh thông tin này.

Vào phần mở đầu của một số chương trình, BBC đã gài thêm một số "thông điệp cá nhân". Những thông điệp này chính là các thông tin được mã hóa để gửi tới các nhóm kháng chiến trên khắp châu Âu. Với hầu hết người nghe, các thông điệp trên không có nội dung gì đáng chú ý, nhưng với một số ít người, chúng có thể bao hàm những nội dung như "thổi bay một đoạn đường ray xe lửa", hoặc có thể là "một đặc vụ Tình báo Anh sắp tới đó".

Thông điệp bí mật được chờ đợi nhất của BBC là khi ngày D-Day gần kề (Trong thế chiến thứ nhất, các nhà hoạch định chiến tranh của quân đội Mỹ quy định ngày thực hiện bất cứ hành động nào đã được lên kế hoạch trước là D-Day). Đó là hai câu đầu trong một bài thơ của Paul Verlaine có tựa đề "Bài hát Mùa thu". "Tiếng nức nở nỉ non/Của những cây đàn Violin/ Của mùa thu" được coi là thông điệp báo cho các nhóm kháng chiến chuẩn bị; còn câu sau là "Làm tan nát tim tôi/Trong mỏi mòn/ Đơn điệu" để thông báo cho các nhóm kháng chiến ở Pháp rằng đã đến lúc chiến đấu.

2. Người Do Thái được cứu nhờ thủ thuật cắt da quy đầu

Bộ đồ nghề của các bác sĩ
Trong suốt Thế chiến II, rất nhiều người Do Thái được bác sĩ cứu mạng nhờ các thủ thuật liên quan tới cắt da quy đầu. Theo đạo Do Thái, đây là một nghi lễ bắt buộc. (Tuy nhiên, điều đó cũng có thể khiến họ bị nguy hiểm tới tính mạng nếu như bị phát hiện là người Do Thái).

Bác sĩ Josef Jaksy đã che mắt cảnh sát bằng cách rạch một đường nhỏ lên chỗ kín của các bệnh nhân, sau đó ông nói rằng thủ thuật này là phục vụ cho mục đích chữa bệnh.

Một bác sĩ Ba Lan có tên là Feliks Kanabus còn có những thủ thuật phức tạp hơn thế. Ông đã thực hiện gần 140 ca phẫu thuật để cứu các bệnh nhân của mình bằng cách ghép một miếng da ở bộ phận khác của cơ thể lên các chỗ kín đó của bệnh nhân. Nhờ đó, rất nhiều bệnh nhân người Do Thái đã được cứu sống.

3. Những bản nhạc của Wagner bị thất lạc

Wagner cùng với Hitler
Trong buổi sinh nhật thứ 50 của mình, trùm phát xít Adolf Hitler được xem các bản thảo gốc các bản nhạc do nhà soạn nhạc Richard Wagner sáng tác. Một nhóm các nhà công nghiệp đã chi gần một triệu Mác (tiền cũ của Đức) cho bộ sưu tập các bản nhạc như ‘Die Feen’, ‘Die Liebesverbot’, ‘Reinzi’, ‘Das Reingold’, và ‘Die Valkure’,  ‘Der Fliegende Hollander’.

Cho tới lúc chiến tranh sắp kết thúc, Winifred Wagner đã đề nghị cất giữ các bản nhạc này ở nơi an toàn giúp Hitler, nhưng ông đã từ chối và nói rằng ông đã cất chúng ở nơi đặc biệt an toàn. Và đúng là Hitler không nói chơi, cho tới giờ vẫn chưa ai tìm thấy chỗ cất giữ các bản nhạc quý giá này.

4. Thất bại của Hồng Kông

Thất bại của quân Anh tại Hồng Kông
Vào đúng ngày Giáng sinh năm 1941, Hồng Kông (khi đó là thuộc địa của Anh) đã rơi vào tay Quân đội Hoàng gia Nhật, và trở thành thuộc địa đầu tiên của Anh rơi vào tay quân thù kể từ năm 1791. Lực lượng đồng minh có 1975 sĩ quan và lính, cùng với 8000 quân tình nguyện người Anh tại Hồng Kông. Họ dự định bám trụ tại đây trong khoảng 17 ngày, nhưng quân Nhật lên tới 60.000 lính đã áp đảo về quân số hơn rất nhiều và giành phần thắng.

Các binh sĩ đồng minh vẫn còn sống sau cuộc chiến đã bị bắt làm tù binh, tập trung tại một trại chiến tranh và rất nhiều người đã chết vì đói và bệnh dịch. Tuy nhiên, thảm kịch lớn nhất đó là khi một tàu ngầm của Mỹ đã đánh chìm con tàu "Lisbon Maru" mà không hề biết trên tàu là người ở phe nào. Tổng số, 843 người chết vì chiến tranh đã bị chìm hoặc bắt chết trong thảm kịch trên vào năm 1942.

5. Buổi hành quyết cuối cùng trên Tháp London

Tháp London
Vào ngày 14/8/1941, điệp viên của Đức có tên Josef Jakobs đã trở thành người đàn ông cuối cùng bị hành quyết tại Tháp London. Ngồi trước mặt các binh sĩ trong kíp thi hành án, Jakobs được gắn một tấm bia nhỏ trên ngực trái. Các binh sĩ sẽ bắn vào đó 5 phát. Jakobs bị bắt gần như ngay khi đặt chân tới nước Anh, sau khi bị gãy chân do nhảy dù.

Josef Jakobs được mai táng trong một ngôi một vô danh ở London. Vào lúc đó, mọi người vẫn nhớ tới cấp trên của anh ta là Rudolf Hess - người cuối cùng bị cầm tù ở Tháp London. Rất ít người biết về sự kiện của Josef Jakobs.

  • Lê Thu (theo RT)

Đức quốc xã và thảm kịch quái thai
Những nạn nhân còn sống sau thảm kịch thuốc an thần những năm 60 của thế kỷ trước đang tìm cách chứng minh rằng nguồn gốc của loại thuốc này có liên quan tới Đức Quốc xã.
 
Hitler thua vì khinh mùa đông Nga?
Mùa đông năm 1941 là một trong những mùa đông lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Nga, đặc biệt là trong suốt cao điểm quân Đức tấn công Moscow.