Tin xấu đối với Amir Mirzai Hekmati, công dân Mỹ 28 tuổi bị kết án tử hình ở Tehran hôm 9/1 vì tội làm gián điệp cho CIA, là tình trạng quan hệ Iran - Mỹ khiến lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo không quan tâm đến những lên án từ phía Washington về bản án dành cho anh này.

TIN BÀI KHÁC:


Amir Mirza Hekmati, người Mỹ gốc Iran, bị Tòa án Cách mạng Iran tuyên án tử hình vì tội làm gián điệp cho CIA. Trong ảnh trên, được lấy từ một video không rõ ngày tháng, anh này đứng cùng các binh sĩ Mỹ ở một địa điểm không được tiết lộ. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, Iran cũng không xử tử những người Mỹ bị cáo buộc làm gián điệp, ngay cả khi nước này giam giữ họ trong thời gian dài và cố gắng tận dụng việc trả tự do cho họ như một quân bài trong trò chơi poker ngoại giao đang diễn ra với Washington - chẳng hạn như ba người đi bộ đường dài Sarah Shourd, Shane Bauer và Joshua Fattal, hoặc phóng viên NPR Roxanna Saberi hay viện sĩ Haleh Esfandiari.

Mặc dù Tehran cuối cùng đều trả tự do cho tất cả những người Mỹ kể trên, quan hệ giữa hai nước vẫn ở trạng thái tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, trong bối cảnh leo thang nghiêm trọng của bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận hôm 9/1 rằng Iran đã tăng cường sự thách thức của nước này trước các yêu cầu của phương Tây bằng cách bắt đầu làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Fordo, gần Qom. Các hoạt động tinh chế ở Fordo vẫn nằm dưới sự giám sát của các thanh sát viên IAEA, và cơ sở này hiện nay không sản xuất vật liệu cấp độ vũ khí hoặc chuyển hóa uranium đã làm giàu sang bất kỳ một chương trình vũ khí bí mật có thể nào.

Tuy nhiên, Iran đã vi phạm yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về ngừng làm giàu uranium (điều mà Tehran đã phớt lờ suốt 5 năm qua), và thực tế việc hoạt động này đang diễn ra trong một cơ sở được thiết kế để trụ vững trước các cuộc không kích đang làm dấy lên hồi chuông cảnh báo tới những nước chủ trương hành động quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. 

Lập trường cứng rắn và những đe dọa của Iran đã tăng cao trong những tháng gần đây. Điều đó có thể thấy cả trong phản ứng của Tehran chống lại một cuộc chiến tranh bí mật mà các cơ quan tình báo nước ngoài đang phát động nhằm vào chương trình hạt nhân của nước này, vốn bao gồm các vụ đánh bom nhằm vào các cơ sở tên lửa của Vệ binh Cách mạng, ám sát các nhà khoa học, các chuyến bay không người lái ở không phận Iran và tấn công qua mạng - cũng như các nỗ lực của Washington nhằm áp đặt các lệnh cấm vận nhằm làm tê liệt nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo.

Bầu không khí giữa Washington và Tehran "có hại" đến mức, ngay giờ đây, nhiều người nghi ngờ liệu hai bên có thể tránh né đối đầu, với cả hai nước đều đang đối mặt với các vấn đề chính trị trong nước, và người Iran coi các hành động của Mỹ như một sự mở đầu cho hành động quân sự nhằm hất đổ họ khỏi quyền lực. 

Đó khó có thể là một môi trường tốt để môi giới cho tự do của Hekmati, và thực tế anh này được đưa lên Đài Truyền hình Iran "thú nhận" là điệp viên CIA sẽ khiến cho các lãnh đạo ở Tehran không dễ dàng miễn tội cho anh này - tuy Hải quân Mỹ đã có hành động nhân đạo tuần trước là giải cứu các ngư dân Iran khỏi tay cướp biển.

Hekmati vẫn còn 20 ngày nữa để kháng án, và nếu nỗ lực đó thất bại, anh này vẫn có thể được lãnh tụ tối cao Ayatullah Ali Khamenei ân xá. Mặc dù vậy, không nghi ngờ gì nữa, cựu lính thủy đánh bộ 28 tuổi này giờ đây là một quân bài trong tay ông Khamenei.

Và bất chấp những căng thẳng, trò chơi có thể rẽ sang hướng thương lượng. Những người chơi chủ chốt chắc chắn đang yêu cầu rất nhiều: Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner thăm Bắc Kinh tuần này, hy vọng sẽ thúc giục Trung Quốc đồng ý các lệnh cấm vận của phương Tây, nhưng nhiều khả năng sẽ bị từ chối. Bắc Kinh sẽ chỉ đồng thuận với những lệnh cấm vận có giới hạn mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt, theo các nhà chức trách, và Thứ trưởng Ngoại giao Cui Tiankai hôm 9/1 nói với các phóng viên: "Vấn đề này không thể được giải quyết chỉ bằng các lệnh cấm vận... Chúng tôi cũng hy vọng sẽ chứng kiến tiến bộ đáng kể qua con đường đàm phán". 

Tuy Liên minh châu Âu từng đảm nhận vai trò trung gian giữa Iran và Mỹ, thực tế rằng EU giờ đây ủng hộ các đòn trừng phạt của Washington đã làm giảm bớt các triển vọng tiến tới một thỏa thuận. Thay vào đó, vai trò này dường như đổ xuống vai Thổ Nhĩ Kỳ, nước phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ và đòi các công ty của nước này được miễn trừ khỏi các biện pháp của Washington vốn sẽ trừng phạt các tập đoàn của nước thứ 3 làm ăn với Tehran. 

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 1/3 lượng cung dầu của nước này từ Iran, và mối quan hệ thương mại giữa hai nước đã mở rộng bất chấp các lệnh cấm của phương Tây, tới mức đạt khoảng 15 tỷ USD một năm.

Mặc dù là một thành viên NATO có vị thế tốt, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên độc lập với chính sách ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, trong khi tiếp tục các kênh mở với Tehran, nước này cũng mâu thuẫn mạnh mẽ Iran về các cuộc xung đột dân sự ở Syria và Iraq. Ankara cũng chọc tức Tehran khi đồng ý đặt một radar chống tên lửa cảnh báo sớm của NATO gần biên giới nước này với Iran.

Tuy thế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nổi lên như một nước trung gian hòa giải phù hợp nhất cho bất cứ một thỏa thuận nào, có thể tổ chức một vòng đối thoại mới giữa Iran và Mỹ và các đồng minh châu Âu cộng với Nga và Trung Quốc. 

Trước kia, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho những gì mà nước này coi là một thỏa thuận xây dựng lòng tin mang tính đột phá vào mùa xuân năm 2010, liên quan đến việc trao đổi uranium đã làm giàu của Iran lấy các thanh nhiên liệu cần thiết để cấp điện cho một lò phản ứng nghiên cứu y khoa của Tehran.

Tuy nhiên, chính quyền Obama coi thường thỏa thuận này bằng cách bỏ qua nó, khẳng định Tehran đang kéo dài thời gian, và thay vào đó thúc đẩy các lệnh cấm vận mới - khiến cho các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, và phản đối hơn bao giờ hết các chính sách Iran của Mỹ. 

Dẫu thế, Washington giờ đây cần đến Thổ Nhĩ Kỳ hơn bao giờ hết, bởi vì chiến lược Iran của nước này thiếu một đường lối để đạt được mục tiêu đã đề ra về một giải pháp ngoại giao cho bế tắc. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu đã có mặt ở Tehran tuần trước và tuần này ông đón tiếp một nhà đàm phán cấp cao của Mỹ về Iran, Thứ trưởng Ngoại giao William Burns.

Rõ ràng, Ankara hiện là một bên chủ chốt trong các nỗ lực nhằm xoa dịu xung đột, mặc dù khó có thể có một nghị quyết ngắn hạn nào cho những vấn đề nằm ở tâm xung đột. Thay vào đó, tiến trình ngoại giao nhiều khả năng sẽ một lần nữa tập trung vào các cơ chế xây dựng lòng tin, và tất nhiên, điều đó cuối cùng có thể chứng tỏ là hữu ích đối với những người biện hộ cho vụ án Amir Mirzai Hekmati.

Liệu cách đó có hiệu quả hay không sẽ không phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ hay bất cứ một bên hòa giải nào, mà phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của mỗi bên nhằm lùi xa khỏi đối đầu. 

Thanh Hảo (Theo TIME)