- Đón xuân Nhâm Thìn 2012, ngoài các hoạt động thường niên, kiều bào ở Tel Aviv còn có một đôi câu đối đặc biệt từ Sứ quán Việt Nam tại Israel.

“Mừng xuân Sứ quán đồng tâm vì quan hệ hai nước
Vui Tết Cộng đồng hiệp lực đi kết nối đôi quê”


Cộng đồng người Việt tại Israel không đông như ở những nước khác. Tại đây, người Việt chỉ có khoảng trên dưới 200 người là công dân Israel gốc Việt, định cư từ những năm 78-79.

Thế hệ Việt kiều thứ 2 có nhiều người nói được tiếng Việt, hầu như là những người đến Israel từ khi còn trẻ, hoặc sinh ra trên mảnh đất này. Tuy nhiên, có một số gia đình mà chồng/vợ là người Do Thái thì việc gìn giữ ngôn ngữ Việt là rất khó, vì đây không phải là thứ tiếng giao dịch hàng ngày.

Mặc dù vậy, các gia đình người Việt đều cố gắng giữ gìn phong tục tập quán của người Việt như tục giỗ, Tết truyền thống.

Trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam, các gia đình làm nghề tự do hoặc doanh nghiệp tư nhân đều cố gắng công việc để thu xếp nghỉ đón Tết. Tất cả đều cố gắng chuẩn bị các món ăn thuần Việt như giò, chả, bánh chưng, bánh Tét và đi thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau.

Do phần đông kiều bào là người miền Nam nên bánh Tét là phổ biến hơn cả trong dịp Tết. Ở Israel rất nhiều trang trại trồng chuối nên không có tình trạng “khan” lá như ở những nơi khác.

Ngoài bà con Việt kiều, cộng đồng người Việt ở đây có khoảng gần 1.000 lao động xuất khẩu và gần 400 Tu nghiệp sinh nông nghiệp (TNS). Các TNS và lao động đều được nghỉ 1 ngày để đón Tết (ngày 1 Tết).

Các lao động ở riêng lẻ, làm việc ở các trang trại tư nhân. Nơi nào đông nhất có 10 người, có nơi chỉ 1 người, còn phần đông là 3-4 người.

Mặc dù vậy, tùy điều kiện tại chỗ, mọi người đều cố gắng tập trung đón Tết. Tuy người Do Thái ít ăn thịt heo nhưng thực phẩm cho cộng đồng làm món ăn Việt thì không hề thiếu, kể cả gạo nếp (Do những người Do Thái từ Nga về khá đông, nên họ có các trang trại chăn nuôi heo).

Hai năm kế từ khi thành lập (2009), Đại Sứ quán Việt Nam năm nào cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán cho cộng đồng, và có sự tham gia của TNS và lao động.

Các gia đình có dâu rể là người Do Thái cùng đến chung vui dịp xuân về. Họ cũng coi đây là ngày lễ của gia đình họ (Điều đặc biệt là hầu hết các gia đình đều xin quốc tịch Việt Nam cho con).

Trong dịp này, ĐSQ cũng chuẩn bị bánh chưng, các món ăn truyền thống, kể cả giò chả mua từ Việt Nam sang.

Những ngày này, thời tiết Israel không khác gì ở Việt Nam. Do đó, cộng đồng tại đây không thiếu hoa, với hoa đào, hoa mận nở tưng bừng khắp nơi. Nhiều người vẫn cảm thấy một “không khí Tết Việt” giữa Israel xa xôi.

  • Lê Thu