Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã phải hứng chịu một loạt các chỉ trích vì việc Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Syria, nhưng ông vẫn không hề nao núng.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga biết rất rõ cách nói "không" theo vô vàn cách khách nhau. Ông có thể trở nên lầm lì, ít nói như khi Moscow bày tỏ quan điểm phản đối việc NATO triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu; hoặc cũng có thể tức giận khi ông chuyển tải quyền phủ quyết của Kremlin về dự thảo của HĐBA LHQ về Syria hồi tuần qua.

Nhưng ông cũng có thể nói từ "không" chỉ bằng cái nháy mắt như khi ông không đồng tình với đề nghị của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đưa ra lệnh cấm hút thuốc tại trụ sở của LHQ ở New York.

Tuy nhiên, đôi khi ông Lavrov lại không thể nói "không". Chẳng hạn như hồi đầu tháng Hai, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa có cuộc gọi không thành công cho ông Lavrov về xung đột ở Syria, Ngoại trưởng Nga đã có chuyến thăm tới một hòn đảo nhỏ ở Fiji tại Nam Thái Bình Dương. 

Chuyến thăm này cũng vừa lúc Nga mong muốn mở rộng quan hệ của họ tại châu Á và châu Đại Dương. Do vậy, Lavrov chẳng hề phàn nàn khi được mời mặc trang phục kiểu Hawaii và đeo hoa đầy cổ. Ông đi tới đâu, họ tiến hành các nghi lễ truyền thống với các thân hình bán nude và tiếng hò reo. Với một người đàn ông luôn là hiện thân của sự tự tin trong chính sách ngoại giao Nga, thì nụ cười trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của ông lại có chút ngượng ngập.

Mới đây, Ngoại trưởng Nga đã có một nhiệm vụ quan trọng rất nhạy cảm tới Syria. Ông đã được các đám đông ủng hộ chính phủ chào đón khi tới Damascus, họ đứng ra đường trên các con phố của thủ đô, vẫy cờ Nga khi đoàn xe của ông đi qua.

Trong các cuộc hội đàm tại Damascus với Tổng thống Bashar Assad, ông Lavrov đã kêu gọi Tổng thống Syria làm những gì cần thiết để đảm bảo hòa bình trên đất nước này. "Mỗi lãnh đạo trên mọi quốc gia đều phải hiểu rõ phần trách nhiệm của mình. Và ông cũng hiểu rõ phần trách nhiệm đó" - ông Lavrov nói trong cuộc họp.

Ngoại trưởng Nga nói thêm "Chúng tôi cũng mong muốn người dân Ả Rập sống trong hòa bình và hòa thuận".

Các cuộc hội đàm diễn ra khi quân đội Syria tiếp tục không kích vào phe nổi dậy ở thành phố Homs. Trước đó 1 ngày, 95 người đã thiệt mạng.

Đứng giữa làn đạn

Khi Moscow cùng với Trung Quốc một lần nữa phủ quyết nghị quyết của HĐBA về vấn đề Syria, Nga đã trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích quốc tế, các nhà ngoại giao phương Tây đã gọi hành động phủ quyết này là một "bê bối".

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil Elaraby nói rằng Nga và Trung Quốc đã mất uy tín ngoại giao trong thế giới Ả Rập. Việc phủ quyết này đã gửi một thông điệp sai lầm tới chính phủ Syria. Giờ đây, Damascus có thể nghĩ rằng họ được phép làm mọi thứ họ muốn mà cộng đồng quốc tế không thể can thiệp được.

Giờ đây, cả thế giới đang nhìn vào ông Lavrov. Liệu Moscow có thể đưa ra một đề xuất nghiem túc để làm trung gian hòa giải giữa các bên trong cuộc xung đột này - hay là họ chỉ muốn bảo vệ cho ông Assad?

Ngoại trưởng Nga cũng cực lực phản đối chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với việc phủ quyết của Nga, và nói rằng HĐBA đã quá hấp tấp bỏ phiếu dự thảo nghị quyết. Bộ Ngoại giao Nga tuyến bố rằng Moscow tìm kiếm "quá trình ổn định nhanh nhất cho tình hình ở Syria dựa trên cơ sở thực thi nhanh nhất các cải cách dân chủ". Bản thân ông Lavrov đã từ chối bình luận về các mục đích trong chuyến đi của ông tới Syria cùng với lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Nga Mikhail Fradkov.

Ngay từ hồi đầu năm nay, ông Lavrov đã chỉ ra đường hướng chính sách đối ngoại của Nga trong một cuộc họp báo quan trọng. Ông nói chính sách đối ngoại nên dựa trên "nền tảng chắc chắn về lợi ích dân tộc" và nên "tách rời khỏi ý thức hệ".

Nhà ngoại giao hàng đầu hiểu rõ ông đang nói về điều gì, trong suốt ba thập kỳ gần đây, ông đã đứng đầu chiến tuyến trong chính sách đối ngoại của Nga. Trong những năm 1980, Lavrov đã hoàn thành sứ mệnh của Nga tại Liên Hợp Quốc ở New York. Trong năm 2002-2003, ông đã làm chệch hướng nỗ lực của của Washington nhằm giành được sự ủng hộ của Nga đối với cuộc chiến tại Iraq. Năm 2004, Vladimir Putin đã bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Ngoại giao Nga.

Trong chính quyền Nga, một Lavrov tự tin tột bậc thực sự là ngoại lệ. Trong khi các bộ trưởng đồng cấp với ông luôn tỏ vẻ ôn tồn, hạn chế hết mức các mối quan hệ với nhà báo, thì ông Lavrov lại thích mời các đại diện báo chí tại Moscow đến dự buổi gặp mặt đầu năm mới, và ông có thể trò chuyện với họ một cách cởi mở, trả lời các câu hỏi của họ.

Người được kính nể

Các đồng nhiệm nước ngoài của ông Lavrov đều rất kính trọng nhà ngoại giao của Nga, và không phải vì ông là một người quá lão luyện. Những lúc rảnh rỗi, ông Lavrov vẫn chơi đá bóng với các đồng nghiệp trong chính phủ và trò chuyện với các bạn hồi đại học, ông cũng có rất nhiều tài lẻ. Một cựu sinh viên trường ngoại giao của Đại học Tổng hợp MGIMO và là một nhà thơ nghiệp dư, ông cũng có đôi câu thơ viết về tính amateur của mình như sau: "Hãy học cho tới khi bạn gục ngã và uống cho tới bến/ Đừng vội vàng, hãy theo đuổi mục tiêu cho tới tận cùng".

Năm 2005, ông tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào và đóng vai "hiệp sĩ vũ trụ". Với trang phục áo choàng có mũ màu hồng, ông Lavrov đã khiến mọi người ngạc nhiên vì tài diễn xuất trong một vở kịch theo kiểu "Chiến tranh giữa các vì sao". Sự xuất hiện của ông Lavrov đã gây ấn tượng lớn trong đêm "văn nghệ nghiệp dư" đó .

Tuy nhiên, giới quan sát có thể cho rằng Nga đã lún quá sâu vào "phe ác" khi bênh vực cho Syria. Nhưng ông Lavrov lại bảo vệ quan điểm của Moscow. Ông từng nói rằng ông mong muốn các đối tác của Nga ở phương Tây có thể "từ bỏ ảo tưởng" rằng sự thống trị của họ là "mãi mãi". Trong mọi trường hợp, đường lối đối ngoại của Nga do Kremlin vạch đường chỉ lối.

Trong suốt nhiệm kỳ Đại sứ Nga tại LHQ, mọi người thấy rằng ông Lavrov là một nghệ sĩ sôi nổi, một nhà quan sát đầy hài hước về chính công việc của mình. Trong suốt các cuộc họp kéo dài, ông đôi khi "giải khuây" bằng cách ngồi vẽ chơi. Mười năm trước, sau một phiên họp dài về nghị quyết đối với Iraq, ông đã đưa một bức vẽ cho người đồng nhiệm của mình ở Đức là Hanns Schumacher. Trong đó, ông đã viết từ ngoại giao (diplomacy) thành kiểu chữ nguệch ngoạc có thể đọc thành "deep" (khó lường), "low" (lề mề) và "messy" (lộn xộn).

  • Lê Thu (theo Tấm gương)