Trong phút chốc, những đứa trẻ - nạn nhân đáng thương của các bi kịch gia đình - mất cả cha, lẫn mẹ, bơ vơ giữa cuộc đời.


TIN BÀI KHÁC


Mẹ mất, cha đi tù, con cái bơ vơ
 
Chúng tôi tìm về Đội 4, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội), nơi xảy ra vụ trọng án đau lòng, chồng sát hại vợ vì ghen vào một ngày mưa phùn rả rích. Căn nhà ba gian, từng là tổ ấm của anh Nguyễn Văn Tình (SN 1967) và chị Hoàng Thị Tâm (SN 1970) trong suốt 20 năm "má ấp, môi kề", giờ lạnh vắng bóng người.
 
Con gái thứ hai của anh Tình, cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc, sụt sùi nói với chúng tôi: Từ ngày mẹ mất, cha đi tù, ba chị em cháu mỗi người một nơi. Em trai cháu giờ đang ở với bà ngoại, cháu thì ở cùng với bác Nguyễn Đức Tài, anh trai của bố. Trong ánh mắt của cô bé học sinh lớp 10, vẫn ẩn chứa nét hoảng loạn, thảng thốt, khi nhớ lại câu chuyện đã xảy ra: Đó là sáng 2/12/2010, Ngọc đang ở trường thì nhận được điện thoại của chị gái gọi về. Nghe tiếng khóc thút thít của chị, Ngọc hoảng loạn gặng hỏi, nhưng chị gái đã vội ngắt máy.
 
Ngọc như người mộng du, cô bé lao nhanh về nhà. Lúc này trong sân nhà Ngọc chật nêm người, cô nghe thấy tiếng khóc của một người nào đó… Rồi mọi người đưa Ngọc vào bệnh viện, khi nhìn thấy mẹ thoi thóp trên giường bệnh, gương mặt xanh xao, cố gắng nắm bàn tay đứa con gái bé nhỏ, Ngọc đã gào lên ôm mẹ khóc thảm thiết…

Hai tháng đã trôi qua, nhưng vụ án mạng kinh hoàng vẫn ám ảnh trong tâm trí ba đứa trẻ ngây thơ. Người suy sụp nhất là cháu Nguyễn Thị Trang Loan, con gái lớn của vợ chồng anh Tình, chị Tâm, hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm ở Thường Tín. Lúc đó khoảng 8h sáng 2/12/2010, Loan cùng bà ngoại là bà Ngô Thị Thư đang ở ngoài sân thì bất ngờ nghe thấy tiếng kêu thất thanh của mẹ: "Ối, bà con ơi". Loan cùng bà ngoại lao vào trong nhà, thì thấy bố đang lăm lăm con dao trên tay, còn mẹ thì đang ôm bụng quằn quại. Loan vội lao tới, giật con dao trên tay của bố, nhưng mọi sự đã quá muộn màng.

Cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc đang kể lại câu chuyện đau lòng của gia đình...
Nhát dao oan nghiệt của người cha, trong lúc tức giận nhất thời, thiếu kiểm soát về lý trí đã đẩy 3 chị em Ngọc, Loan và Nam thành những đứa trẻ côi cút. Thương nhất là bé Nam 7 tuổi, cháu còn quá non nớt để hiểu được những mất mát đang xảy ra…

Tìm hiểu về gia cảnh của anh Tình chúng tôi được biết: Năm 1991, anh Tình kết hôn với chị Tâm. Ba đứa con 2 gái, 1 trai liên tiếp chào đời trong niềm hạnh phúc hân hoan của đôi vợ chồng. Anh Tình làm bảo vệ một nhà máy ở Hải Dương, còn chị Tâm ngoài việc đồng áng, chăm sóc và dạy dỗ con cái cũng chạy chợ bán hạt giống. Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn của hai vợ chồng nên kinh tế gia đình họ cũng vào diện có "của ăn, của để" ở trong xã. Mọi chuyện bắt đầu từ khi anh Tình thất nghiệp ở nhà.

"Nhàn cư vi bất thiện" anh Tình vốn nóng nảy, bắt đầu bê tha rượu chè, rồi cờ bạc. Chị Tâm vốn là người phụ nữ hiền lành, chất phác nên ban đầu cũng cam chịu, tìm những lúc chồng bớt nóng giận để lựa lời phân giải, nhưng mọi sự cố gắng của chị đều vô nghĩa. Mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm khi chẳng hiểu vì lý do gì, anh Tình thường xuyên ghen bóng, ghen gió, cho rằng chị Tâm có người đàn ông khác… Từ đây, giữa hai vợ chồng họ thường xuyên xảy ra những trận cãi vã.

Vì ghen tuông, đã có lúc anh Tình cấm chị Tâm đi chợ, rồi quản lý vợ gắt gao. Khuyên bảo chồng không được, chị Tâm nhiều lần muốn ly hôn nhưng vì anh Tình nài nỉ, lại thương mấy đứa con nên chị nhẫn nhục chịu đựng nhưng anh Tình vẫn "chứng nào tật nấy"… Theo lời khai của anh Tình thì buổi sáng định mệnh đó, chị Tâm kiên quyết đòi ly hôn, Tình trong lúc cùng quẫn đã sát hại vợ.

Giờ đây, ba đứa trẻ côi cút sống dựa vào sự bao bọc, chở che của những người thân trong gia đình. Ngọc thút thít chia sẻ: Những ngày đầu mẹ mất, cháu giận bố nhiều lắm. Nhưng bây giờ cháu thương bố, chị em cháu muốn viết đơn để xin giảm án cho bố.

Cần lắm sự quan tâm của người thân và xã hội

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phương Đình cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã phối hợp với Hội Phụ nữ và các cấp, ngành thường xuyên đến gia đình cháu Ngọc động viên, thăm hỏi. Hiện chính quyền xã Phương Đình đã trợ cấp cho hai cháu Ngọc và Nam, một khoản tiền trợ cấp hằng tháng, giúp các cháu phần nào giảm bớt sự khó khăn.

Đó chỉ là một trong số các vụ án mạng đau lòng do mâu thuẫn gia đình xảy ra trong thời gian gần đây. Mới đây vào những ngày tháng 2/2011, trên địa bàn thị trấn Kinh Môn (Hải Dương) cũng xảy ra một vụ án mạng đau lòng.

Người chồng cũ của nạn nhân vì không được vợ đồng ý cho quay lại chung sống, đã dùng thuốc nổ buộc vào người tự sát, gây nên cái chết cho người vợ, một cô giáo trường làng, hiền lành, tốt bụng. Sau cái chết của bố, mẹ, hai đứa con trai, một đang là sinh viên đại học, một là học sinh cấp 2, trở thành trẻ mồ côi!

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Đỗ Văn Khách, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Hải Dương, cho biết: Có hàng trăm nguyên nhân gây ra các vụ trọng án đau lòng trên như vì ghen tuông, vì mâu thuẫn bột phát, tiềm ẩn trong gia đình… Trong các vụ án này, những đứa trẻ vô tội là người phải gánh chịu thiệt thòi, mất mát. Không phải trường hợp nào cũng nhận được sự giúp đỡ, cưu mang của người thân trong gia đình như cháu Ngọc, cháu Loan…
 
Song kể cả trong những trường hợp này, các cháu vẫn bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Rất nhiều cháu rơi vào trạng thái trầm cảm, hoảng loạn, một số do không đủ nghị lực hoặc do thiếu sự quan tâm, quản lý đã bỏ bê việc học hành, rồi dần sa ngã… Để giúp các em hòa nhập được với cuộc sống, người thân trong gia đình phải trở thành điểm tựa, thường xuyên gần gũi, nắm bắt các diễn biến về tư tưởng tâm lý, giúp các em có thể vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần. Có như  vậy, các em gượng dậy sau những biến cố của cuộc đời, đứng vững trở thành những người có ích cho xã hội.
 
Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm giúp các em trưởng thành và hoàn thiện về nhân cách. Để gia đình thực sự trở thành tổ ấm, mỗi thành viên nên phải thực sự cảm thông và chia sẻ với nhau. Có như vậy, những vụ trọng án đau lòng trên mới không xảy ra.
(Theo Công An nhân dân)