Hồi ức về mối tình đầu của mình chỉ khiến cô cảm thấy nhói buốt con tim, khi mà người cô yêu và toàn tâm dâng hiến ấy lại chỉ là một gã sở khanh.

TIN BÀI KHÁC

Thời gian đầu khi mới đặt chân vào Trung tâm giáo dục lao động số 2 Ba Vì Hà Nội, Dự Thị Loan bị mắc chứng bệnh trầm cảm, sợ tiếp xúc với người lạ. Đó chính là hệ quả của việc trước đó khi ở ngoài xã hội, người đàn bà này đã bị ép phải “phục vụ” quá nhiều khách trong một ngày. Giờ đây, dù khuôn mặt đã khởi sắc hơn hẳn nhưng vảng vất trong sâu thẳm người ta vẫn nhìn thấy nỗi hoảng hốt hằn in trên đôi mắt của người đàn bà bất hạnh ấy.
Người ta vẫn nói về mối tình đầu như một điều gì đó thật thiêng liêng và trong sáng. Nhưng với Loan thì hoàn toàn khác. Hồi ức về mối tình đầu của mình chỉ khiến cô cảm thấy nhói buốt con tim, khi mà người cô yêu và toàn tâm dâng hiến ấy lại chỉ là một gã sở khanh.

Đó là một gã trai cùng làng. Hắn biết cô thích hắn nên cũng giả vờ yêu đương và hứa hẹn. Cô đâu biết được đó chỉ là những lời trót lưỡi đầu môi cốt chỉ để chiếm đoạt được thể xác của cô. Vậy mà cô cứ ngất ngây với cái hạnh phúc không có thật mà cô vẽ ra. Cô mơ về một đám cưới ngập tràn hạnh phúc với người đàn ông mà mình yêu thương nhưng nào ngờ đâu khi đã chiếm đoạt được cô rồi, gã sở khanh đó lặng lẽ rút lui.

Hắn vào Nam lập nghiệp không nói một lời từ biệt nào với cô. Cái tin người cô yêu đã đi xa như sét đánh ngang tai. Vừa mới đây thôi người ta còn hứa hẹn sẽ lấy cô về làm vợ, sẽ sinh con đẻ cái. Vậy mà bây giờ đã bóng chim tăm cá. Cô biết tìm anh ấy ở nơi đâu. Thời ấy, điện thoại di động hiếm lắm nên không thể liên lạc với nhau dễ dàng như bây giờ được. Với lại, người ta đi không nói gì với cô đủ để cô hiểu người ta chẳng coi cô là gì cả.

Sau khi người yêu bỏ đi, cô mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Đau đớn, vật vã xen cả chút hận thù. Người cô gầy xọp đi nhưng cái bụng thì cứ ngày một to ra. Thực lòng hồi đó cô còn quá trẻ nên không biết được rằng có điều gì đó bất thường đang diễn ra trong cơ thể mình. Nhưng mẹ cô thì khác. Bà nhìn con gái héo hon rồi nhìn vào cái bụng của cô thì bà biết trong cô đang mang mầm oan nghiệt. Biết được điều ấy, mẹ cô đã khóc rất nhiều. Ngồi ăn cơm nhìn con bà cũng khóc, nấu cơm dưới bếp một mình bà cũng khóc.

Bố cô thì khác. Sau khi ông nghe được cái tin động trời ấy, ông đã lôi cô ra và đánh cho một trận nhừ tử. Nhưng sau trận đòn ấy ông không nói gì nữa. Cô chỉ thấy rằng ông thường ngồi một mình ở trước hiên nhà, hút thuốc lào rồi nhả khói lên trời, mắt nhìn xa xăm. Cô biết là ông đang cầm lòng để nuốt cái nhục vào trong vì thương con và thương cả giọt máu nó đang mang trong người.

Về phần mình cô buồn vui lẫn lộn. Cô buồn vì biết quãng đường mình đi rồi đây sẽ gặp không ít sóng gió. Nhưng cô lại vui vì nghĩ rằng đó chính là giọt máu của người mà mình yêu thương. Và cô nuôi hy vọng biết đâu một ngày nào đó khi anh ấy về làng, đứa con sẽ là nhịp cầu nối khiến anh nghĩ lại và trở về bên cô. Có lẽ cô sống được cũng là vì nuôi hy vọng ấy.


Thời gian cứ thế trôi đi, tin tức về bố của đứa con mình càng ngày càng xa diệu vợi. Thực ra, cô có thể hỏi thăm thông tin về người ấy qua gia đình anh ta nhưng cô đã không làm thế. Bởi cô thấy mình chả có lý do gì để đến đó hỏi thăm. Thế là cô lại âm thầm chờ đợi.

Rồi một ngày tình yêu đầu đời của cô đã trở về sau gần 5 năm biệt tích. Nhưng anh ta không đi một mình mà dẫn theo một người con gái. Cô như ngất lịm khi hay tin lần này anh ta trở về vì muốn tổ chức đám cưới với người con gái mà anh ta dẫn về. Bao nhiêu hy vọng giờ tan tành như mây khói. Trong đầu cô chợt nảy sinh ý nghĩ phải trả thù.

Phải, cô sẽ không thể để anh ta hưởng hạnh phúc khi nhẫn tâm giẫm đạp lên cuộc đời của cô. Cô phải nói cho anh ta biết anh ta đã có con với cô. Và phải nói đúng vào cái lúc mà anh ta đang hồ hởi tiến hành hôn lễ. Nung nấu ý định phá vỡ hạnh phúc của người đàn ông đã làm hại đời mình nên cô đã dẫn con gái đến dự hôn lễ đó. Đáng lẽ khi thấy họ bên nhau ngời ngời hạnh phúc thì cô càng có động lực để phá bỏ. Đằng này, lòng cô lại trùng xuống.

Có lẽ cô hiểu nếu mình cố tình làm việc đó thì kết quả cũng chả khá hơn gì. Người anh ta yêu là cô gái kia chứ không phải là cô. Lỗi cũng là tại cô đã mù quáng, hiến dâng thứ quý giá của người con gái cho một kẻ không thật lòng yêu thương mình. Và cô phải gánh chịu hậu quả cũng là lẽ đương nhiên. Nghĩ thế nên cô ôm con vào lòng rồi lặng lẽ rút lui. Cô biết cái hạnh phúc ấy sẽ chẳng bao giờ thuộc về cô.

Kể từ sau hôm ấy cô biến thành một con người khác. Đi về như một cái bóng và thôi không mộng mơ về những điều không tưởng như trước nữa. Không bám vào hy vọng để sống mà giờ cô sẽ sống vì con. Vì cái giọt máu mà cô đã sống chết để giữ nó lại trên đời.

Để con cho ông bà ngoại chăm nuôi, cô lên Hà Nội kiếm việc làm, quyết sẽ không để con phải khổ. Ban đầu cô làm giúp việc cho một gia đình. Nhưng vì bà chủ quá ghê gớm, thường xuyên quát nạt, chửi mắng cô nên cô cũng nản. Biết được cô đang chán chường nên bà chị hàng xóm thường xuyên sang động viên, an ủi. Đã thế còn nói, nếu cô đồng ý sẽ tìm giúp cô một công việc nhàn hạ hơn mà lương lại cao hơn gấp bội phần. Nghe vậy cô đồng ý luôn mà không cần hỏi việc đó là việc gì.

Bỏ nghề giúp việc, cô được người hàng xóm “tốt bụng” dẫn đến làm việc tại một quán cà phê đèn mờ. Nhìn không gian làm việc, cô đã thấy bất an và thấy có điều gì không ổn. Nhưng chị hàng xóm ra sức thuyết phục cô rằng chả có gì bất thường đâu, cứ làm đi rồi sẽ ổn. Làm công tác tư tưởng với cô xong, chị ta ra nói chuyện gì với bà chủ quán rồi chuồn thẳng. Kể từ đó không quay lại quán thêm một lần nào nữa. Và đời cô bước vào địa ngục trần gian kể từ giây phút ấy.

Ngay hôm đầu tiên, bà chủ quán đã bắt cô phải tiếp liền ba khách. Còn nhớ người khách đầu tiên dẫn cô vào phòng, cô đã van xin ông ta tha cho cô nhưng ông ta chẳng mảy may động lòng. Không xin được thì cô chống cự, nhưng rồi vẫn vô ích. Chỉ đến khi ông ta vô ý quay người qua chỗ khác, cô đã vùng lên bỏ chạy. Những tưởng ra được khỏi căn phòng đó là cô thoát, ai ngờ những tên bảo kê mà bà chủ quán thuê đã đứng canh sẵn ở phía ngoài. Họ chặn cô lại. Cô lại van xin họ. Họ vằn mắt lên với cô và nói nếu cô không chịu tiếp khách thì họ sẽ đánh cô. Và rồi họ đánh cô thật. Đánh như thể để dằn mặt rằng nếu cô không chịu tiếp khách thì cô sẽ liên tiếp phải chịu những trận tương tự thế.

Phải lê lết tấm thân đau nhói quay trở lại căn phòng mà cô vừa bỏ chạy, nơi có một gã đàn ông béo nung núc, mắt hau háu chỉ trực ăn tươi nuốt sống cô. Gã vẫn nằm đó như thể biết chắc rằng cô sẽ phải quay lại. Vừa nhìn thấy cô, gã đã thẳng tay tát vào má cô một cái như trời giáng. Gã bảo với cô rằng “đã chấp nhận làm đĩ mà còn giả đoan trang”. Kể từ giây phút đó cô bước vào nghề kinh doanh vốn tự có.

Một ngày cô bị người ta ép tiếp không biết bao nhiêu lượt khách. Thường thì lâu dần sẽ thành quen nhưng với cô, cô vẫn không sao quen được. Càng hành nghề, nỗi sợ hãi trong cô càng lớn lên. Cô dần dần thành một cái xác không hồn, đôi khi không ý thức được mình là ai và từ đâu đến.

Với nhiều người bị bắt và đưa vào Trung tâm là một điều bất hạnh nhưng có lẽ với Dự Thị Loan thì đó là một điều vô cùng may mắn. Bởi chỉ có bị bắt thì cô mới mong thoát được nanh vuốt của chủ chứa và lũ bảo kê đầu trâu mặt ngựa. Thời gian đầu mới vào Trung tâm, cô gần như bị mất trí nhớ và lâm vào tình trạng hoảng loạn. Nhưng do có sự quan tâm và chăm sóc tận tình của các thầy, các cô nơi đây nên tinh thần và trí nhớ của Loan đã dần dần được hồi phục. Giờ đây khát khao lớn nhất của người đàn bà này là sớm được trở về bên con vỗ về và yêu thương nó để thấy rằng cuộc đời vẫn còn có ý nghĩa.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)