- Sau tuần trăng mặt, Thắng ngậm ngùi đưa vợ mới cưới ra sân bay và bắt đầu 2 năm chờ đợi vợ hoàn thành khóa tu nghiệp ở Đức trở về.

TIN BÀI KHÁC

“Chia tay” ngay sau khi cưới
 
Nhiều người trước đám cưới đã khuyên Thắng: đợi Hương tu nghiệp về mới tổ chức đám cưới cũng chưa muộn, “xa mặt thì cách lòng” không điều gì nói trước được. Lấy rồi, sau này ân hận đã quá muộn.
Nhưng Thắng và Hương lại nghĩ khác, tình yêu từ thuở còn là sinh viên đến nay đã chín muồi. Hơn nữa, hai gia đình xem tuổi thì chỉ có năm nay mới là năm hợp nhất để thành gia thất. Dù xa nhau hai năm, họ vẫn kiên định vào tình cảm của mình.

 
Thế là họ chọn cách “chia tay” tại sân bay ngay sau đám cưới.
 
Thắng nửa đùa, nửa thật nói: “Ai cũng bảo, lấy vợ là tự mua gông buộc mình, lấy vợ là hết bia bọt, nhậu nhẹt, hết thâu đêm, hết đá bóng quá giờ ăn tối… Nhưng mình được vợ ưu ái thả cửa”. Anh cũng nói: “Nhiều lúc nhớ vợ cuồng chân muốn đi ngay sang đấy, nhưng cũng may là công nghệ thông tin hiện đại, ngay cả lúc lên lớp học, vợ cũng bật được web trò chuyện với mình”.
 
Cùng hoàn cảnh như Thắng, chị Thu (Long Biên), chồng đi thường trú tại Đài Loan. Lúc còn yêu nhau chị nói có thể chấp nhận được việc anh đi ba, bốn tháng rồi về một lần, chỉ cần một mình chị ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng: “mọi việc đảm đương được hết. Nhưng anh phải đảm bảo, về nhà đúng hẹn”.
 
Vậy nên, sau đám cưới, khi chồng chị trở về với công việc ở xứ lạ, khi chưa có bầu chị thường rủ các bạn học cùng phổ thông chơi thân với nhau thi thoảng đi mua sắm, ăn uống đình đám. Bố mẹ chồng còn khỏe nên đôi lúc vẫn đi cùng con dâu, trước là để quán xuyến, sau cũng thấy vui vẻ, dễ hòa đồng.
Cũng may là trong hội bạn chơi thân của Thu, mới chỉ có hai người lập gia đình, còn lại vẫn độc thân hết… Nhiều lúc, đi cùng chúng bạn thấy tủi thân, Thu kể: Một lần sang nhà đứa bạn thân chơi, bố mẹ nó đùa “chúng mày, cá mè một lứa cả”; Nó cự lại “Con Thu khác lứa rồi mẹ! có chồng, cũng như không”…

 
Đến lúc có bầu Thu mới thực sự cảm nhận được nỗi buồn, nỗi tủi thân khi không có chồng bên cạnh. Tuy bố mẹ chồng yêu thương, chăm sóc hết mực, hai vợ chồng vẫn thường xuyên nói chuyên qua mạng thi thoảng Thu vẫn nhận được những món quà bất ngờ của chồng. Nhưng cũng không bù đắp nổi khoảng thời gian cảm thấy trống rỗng và nhớ chồng da diết.
 
Nỗi lo gia đình tan vỡ
 
Nhiều trường hợp, có chồng hoặc vợ đi du học, làm việc ở nước ngoài vài năm, ban đầu còn cảm thấy nhớ cồn cào, tha thiết. Nhưng thời gian trôi qua, nỗi nhớ vơi dần mà nỗi lo lắng lại tăng lên.
 
Có những cô vợ hằng đêm nằm mơ thấy chồng đi cùng cô Tây xinh đẹp, nắm tay đi dạo tình tứ. Nhiều lúc, chồng bận việc không gọi điện về nhà thì cả ngày đứng ngồi không yên.
 
Người ở lo lắng đã là một chuyện, người đi cũng lo lắng không kém. Nhiều ông chồng buộc phải đi học, đi làm ở phương trời Tây chia sẻ: Đàn bà, con gái thường nhẹ dạ mà “kỹ thuật tán tỉnh của cánh đàn ông ngày càng cao”. Vợ mình trẻ trung, lấy chồng vào rồi càng đằm thắm, thêm nữa xa nhau càng lâu, nhu cầu tình cảm lại càng nhiều. Nhỡ đâu, có “thằng cha” nào nhân cơ hội chồng đi vắng đến bù đắp cho vợ mình thì… “căng”.
 
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp xảy ra: Một đến hai năm đã là thời gian đủ để các ông chồng, bà vợ xa nhà thích nghi với cuộc sống mới. Và những người ở nhà tập quen với cuộc sống có gia đình cũng như không... Dễ dẫn đến tình trạng “một đi không trở lại”.
 
Và để gia đình có thể toàn vẹn, không đổ vỡ, đòi hỏi người vợ, người chồng phải kiên định với tình cảm của mình. Xác định được những vấn đề phải đối mặt trong cuộc sống khi không ở bên cạnh đối phương. Mà quan trọng hơn cả, chữ Thủy Chung phải đặt lên hàng đầu.
 
Thanh Mai