-  Bất chấp lời xì xào tham giàu mà quên nghĩa, chị từ bỏ mối tình 3 năm với anh chàng từ thời sinh viên để cưới con trai của một ông quan khá to ở Hà Nội chỉ để mong “đổi đời”…

TIN BÀI KHÁC

“Chuột sa chĩnh gạo”
Khi chứng kiến một cuộc hôn nhân không “môn đăng hộ đối”, nhiều người thầm ganh tị: “Chuột sa chĩnh gạo” hoặc là “Mèo mù vớ cá rán”. Rồi “nàng lọ lem” sẽ “một bước lên tiên”, được sống một cuộc đời giàu sang, hạnh phúc bên chàng bạch mã hoàng tử. Nhưng mấy ai biết rằng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, làm dâu nhà giàu chắc gì đã sướng?
Anh là dân Hà Nội “gốc”, bố là giám đốc một công ty xây dựng, mẹ anh cũng là chủ cửa hàng thời trang lớn trên phố. Anh ra trường, về đầu quân cho công ty bố và chức giám đốc cũng đã gần như trong tầm tay. Ai nhìn vào đức lang quân của chị Hồng (Định Công, Hà Nội) cũng thầm ngưỡng mộ và xen lẫn cả chút ganh tị thầm kín.
Gia đình chị ở tỉnh lẻ, bố mẹ là công nhân nghỉ hưu. Nhà gần như khánh kiệt với việc nuôi 3 cô con gái học đại học. Ngày chị về nhà chồng hầu như tay trắng. Chị cũng e ngại trước những cái nhìn thiếu thiện chí của họ hàng nhà chồng, nhưng lại chợt nghĩ “mình lấy chồng chứ có phải họ hàng nhà chồng đâu mà lo”.
Chị về làm dâu nhà giàu cứ nơm nớp e ngại. Rồi những lo sợ của chị cũng đã thành sự thật khi đến tháng thứ 3 mẹ chồng rủ rỉ khuyên chị nghỉ làm ở nhà lo chuyện gia đình. Chị ngần ngại nhưng thêm lời nói của chồng chị miễn cưỡng bằng lòng.
Kể từ đó, đời chị Hồng chẳng khác gì một “con ở” theo đúng nghĩa. Chị từng chua chát: “Người ở còn có lương, chị thì làm không công, phần thưởng là những lời mát mẻ của mẹ chồng khi chị làm không vừa ý bà”.
Sáng sớm chị tất bật với cơm nước, giặt giũ, lau nhà… cả núi công việc không tên đè lên vai cho đến tận đêm. Đã thế, mỗi lần có ai từ quê lên chơi mẹ chồng còn mát mẻ: “Hồng là sướng nhất, tôi gần sáu chục tuổi rồi còn nai lưng ra kiếm tiền. Con dâu thì ở nhà hưởng mát”.

Nhiều cô gái đã quyết tâm lấy được chồng giàu để mong đổi đời (Ảnh minh họa: suckhoeso.com)
Không ít lần bà còn “thẳng toẹt” nói chị là ăn bám, vô công rồi nghề…Chị ân hận về quyết định nghỉ việc của mình. Chồng chị suốt ngày hội họp, gặp gỡ khách hàng…không một lần ngó ngàng đến vợ ở nhà.
Lần chị ốm, bạn bè lớp đại học cũ đến thăm. Khi ra về mẹ chồng chì chiết chị: “Tôi nai lưng làm cho cô ở nhà đàn đúm à? Bạn với chả bè không khéo sểnh ra tí mấy đồ quý trong tủ cũng thó mất thì khổ”. Chị uất ức nói lại. Đêm đó chồng chị về đã gào lên: “Tôi đi làm đã mệt lắm rồi sao cô không để tôi yên. Ngày nào cũng để mẹ phàn nàn cô không thấy ngượng à?”...
Chia sẻ với VietNamNet, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký hội Khoa học – Tâm lý – Giáo dục TP.HCM ngậm ngùi xác nhận, hiện tại Việt Nam, rất nhiều người vợ, đặc biệt người vợ trong những gia đình trí thức phải cắn răng cam chịu do bị chồng và gia đình nhà chồng ngược đãi, bạo hành (cả thể xác và tinh thần).
Tiến sĩ Luông cũng khuyên người phụ nữ khi thấy cuộc sống hôn nhân là địa ngục: “Theo tôi, ly hôn chưa hẳn là tiêu cực, tỷ lệ ly hôn cao chứng tỏ người phụ nữ biết sống thực hơn cho mình. Cuộc hôn nhân như thế không chỉ làm người phụ nữ héo hắt, chết mòn mà còn đào tạo ra những đứa con giống y hệt cha, mẹ chúng”.
“Tham vàng bỏ ngãi”
Chị T. Hiền (nhân viên kế toán của một công ty tư nhân trên đường Láng Hạ, Hà Nội) đã bất chấp “lời ong tiếng ve” xì xào chuyện chị tham giàu mà quên nghĩa. Chị từ bỏ mối tình 3 năm với anh chàng người yêu tỉnh lẻ từ thời sinh viên để cưới con trai của một ông quan khá to ở Hà Nội.

 Lấy chồng vì giàu liệu có sướng? (Ảnh minh họa: vntime.vn)
Ngày cưới, hội trường rộn rã, đoàn xe rước dâu kín cả ngõ vào. Khỏi phải nói bố mẹ cô dâu hãnh diện như thế nào. Nhưng sau một đám cưới ngọt ngào là những ngày đắng cay chưa từng có đang đợi chị Hiền.
Nhà chồng bề thế nên cứ có việc lớn việc bé gì là họ hàng lại lục đục kéo đến. Mỗi lần có khách là họ hàng xa đến chơi chị lại nai lưng ra phục vụ, dọn dẹp, cơm nước. Chị về nhà chồng bữa trước, bữa sau mẹ chồng cho cô ôsin nghỉ việc với lí lẽ: “Có con dâu rồi, bày vẽ giúp việc làm gì cho tốn kém. Làm thế cũng là tạo cơ hội cho con dâu bày tỏ sự chu đáo, hiếu thảo với nhà chồng”.
Chồng chị luôn viện cớ việc làm phải đi công tác xa, lâu dần khiến Hiền sinh nghi và một lần dò hỏi chị mới ngã ngửa khi biết chồng đã nuôi bồ nhí gần năm nay. Không chỉ một cô, anh ta còn “tòm tem” với cả những góa phụ tuổi chẳng lấy gì trẻ trung hơn chị.
Trong khi bố mẹ chị không hề hay biết, và mẹ chồng thì vẫn điềm nhiên đi khẳng định với hàng xóm: “Nó được vào làm dâu nhà giàu là nhất rồi. Nhà tôi có thiếu cái gì nữa đâu. Như người ta lấy chồng vẫn phải nai lưng ra làm để mua nhà, sắm sửa…ai được như nó đâu”.
Chị kể, năm lần bảy lượt chị rủ rỉ bàn chồng ra ở riêng nhưng chồng chị lại là người nhu nhược. Anh không chỉ sợ mẹ phật ý mà nghĩ đến cảnh rời bỏ sự sung túc hiện nay để hàng tháng phải lo lắng trả tiền thuê nhà, điện nước…anh đã “toát cả mồ hôi hột”.
Cuộc đời là của mình, hạnh phúc cũng là của mình, không thể vì lóa mắt trước sự giàu có mà… lặng lẽ đưa chân để cuộc đời là cả một tấm bi kịch sau ngày kết hôn. Ân hận, chị chấp nhận phương án ly hôn trong những giọt nước mắt muộn màng. Chị bảo, thà một lần đau còn hơn cả đời sống trong địa ngục. “Ừ thì, cũng mang cái tiếng qua một lần đò” - chị thở dài.
Châu Lan