Quận mã Đặng Lân, em ruột Tuyên phi Đặng Thị Huệ, tục gọi “cậu Trời” vì thành tích du đãng, lộng hành không kiêng nể gì của ông ta.

TIN BÀI KHÁC


Đương thời, nhân dân xem Đặng Lân là một con quỷ râu xanh, một hung thần "chỉ cần nghe tên, phải vội tránh"

Quỷ râu xanh hoang dã nhất thời phong kiến

Sử sách không ghi Đặng Lân, cũng như chị ruột Đặng Thị Huệ là con của ai, nhưng sinh ra trong nhà nghèo khó ở làng Phù Đổng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trong Hoàng Lê Nhất thống chí, Ngô Thì Chí viết: “Thường thường Lân đem vài chục thủ hạ võ trang, đi nghinh ngang khắp kinh đô. Hễ gặp võng lọng, bất kì quan quân lớn nhỏ, chức tước gì, Lân cũng kiếm chuyện đánh một trận để làm nhục chơi. Được thế Lân lấy làm khoái trá. Đàn bà, con gái qua đường, người nào Lân vừa bụng, tức thì sai quân bắt vào hãm hiếp”.

Tĩnh vương đem nàng Quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn, so với các triều trước nhiều gấp mười lần. Phủ đệ dựng ở phía Tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự càn rỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ đeo gươm, ra ngoài chợ, phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối...''.

Chẳng coi Chúa ra gì

“Con gái của Trịnh Sâm tên là Trịnh Thị Ngọc Lan rất yếu đuối, từ nhỏ vẫn được chúa Trịnh Sâm cho ở trong cung Thủy Tinh, luôn phải kiêng nắng gió. Nơi Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tỳ phải đi nhẹ, nói khẽ, không được làm cho nàng giật mình. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm, chúa đều cho ngồi cạnh như thuở còn bé. Bất cứ điều gì Ngọc Lan cầu xin, chúa cũng chiều theo. Bấy giờ, công thần quý tộc từng tới cầu hôn nhưng chúa chưa ưng gả cho ai. Có lần, chúa xuống lệnh cho các quan văn võ vào phủ để Ngọc Lan tự ý kén chọn, nhưng nàng chẳng bằng lòng ai. Đến đây, Đặng Thị Huệ cầu hôn Ngọc Lan cho em trai mình, chúa sợ mất lòng nên bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời”, sách Hoàng Lê Nhất thống chí chép.

Tuy nhiên, vì rõ bản tánh “mất nết” của Đặng Lân, Chúa Trịnh lấy cớ rằng công chúa chưa từng lên đậu lên sởi, để không cho phép Đặng Lân hợp cẩn. Vậy nên, Đặng Lân cứ mỗi lần vào với công chúa thì lại bị nội giám Sử Trung (người được chúa cho đi theo để bảo vệ công chúa) ngăn cản. Một lần hết sức tức giận, Lân tuốt gươm chém chết Sử Trung... và nói: “Chúa là cái quái gì? Mày thử về hỏi chúa mày xem, nếu ở hoàn cảnh như tao thì liệu chúa mày có chịu nổi không?”

Theo sách Tang thương ngẫu lục, sau khi Tuyên Phi và Cung Quốc công (Trịnh Cán) bị phế, Đặng Lân bị bắt bỏ ngục rồi nhịn ăn mà chết, vào khoảng năm 1782.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã bồi đắp Đặng Mậu Lân trong lịch sử thành một Đặng Mậu Lân trong tiểu thuyết ''Đêm hội Long Trì”. Ở đó, theo GS. Hà Minh Đức, nhân vật Mậu Lân đã được “khai thác tỉ mỉ hơn, sinh động hơn. Hắn như một con thú dữ khát mồi, hãm hiếp, phá phách, giết chóc, coi thường kỷ cương xã hội, chà đạp lên đạo lý, sống dã man, tàn bạo và dâm loạn…”.

(Báo Đất Việt)